Chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội: Kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn PCCC

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 345/TB-VP truyền đạt Kết luân của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP tại Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 01/6/2017 của UBND TP về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém; đổi mới nâng cao hiệu quả công tác PCCC.

Theo đó, UBND TP yêu cầu lãnh đạo các đơn vị tiếp tục chỉ đạo thực hiện giải quyết hiệu quả những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập đã chỉ ra theo phương châm 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả, rõ tiến độ; trên tinh thần quyết tâm thực hiện các giải pháp theo đúng tiến độ, lộ trình đề ra; kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn PCCC theo quy định của pháp luật; quy rõ trách nhiệm, lĩnh vực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị, cá nhân.

Công an Thành phố tiếp tục rà soát, chấn chỉnh hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ công tác PCCC&CNCH. UBND quận, huyện, thị xã phải có kế hoạch tổ chức rà soát, điều tra cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ công tác PCCC&CNCH; kiểm tra, xử lý, giải tỏa các công trình, bục, bệ, barie,... cản trở công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; khảo sát và xây dựng các bến lấy nước, hố ga thu nước tại các ao, hồ, sông, suối có trữ lượng nước lớn; phối hợp với Sở Xây dựng rà soát, kiến nghị đề xuất sửa chữa, lắp đặt, bổ sung các trụ nước chữa cháy, bể nước dự trữ chữa cháy tại các khu dân cư, khu đô thị và trên các tuyến đường, phố. Rà soát các khu, cụm công nghiệp có quy mô, yêu cầu, đề xuất kiến nghị các đơn vị chủ quản thành lập Đội PCCC chuyên ngành theo đúng quy định của pháp luật.

Đổi mới, không ngừng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC&CNCH. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về PCCC đối với cơ sở trọng điểm về chính trị, an ninh, quốc phòng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà chung cư, cao tầng, cơ sở kinh doanh karaoke, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa, khu dân cư, nhà trọ (đặc biệt là các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao); chủ động phát hiện nguy cơ phát sinh cháy, nổ, vi phạm quy định về PCCC. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; xác định rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra cháy, nổ; trường hợp có dấu hiệu tội phạm, tiến hành khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

UBND quận, huyện, thị xã phải có kế hoạch kiểm tra, rà soát; lãnh đạo UBND phường, xã, thị trấn có trách nhiệm hàng tuần trực tiếp kiểm tra địa bàn thực tế ít nhất 01 lần, có sổ sách theo dõi và báo cáo kết quả thực hiện. Địa bàn nào để xảy ra tình trạng cơ sở vi phạm đã được các cơ quan chức năng ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động mà vẫn lén lút hoạt động thì lãnh đạo UBND và Công an quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn nơi đó phải chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố.

Xây dựng và phát huy hiệu quả lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”. UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo rà soát, kiện toàn lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố; quan tâm, đầu tư trang bị, phương tiện, quần áo bảo hộ cho lực lượng này đảm bảo thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; rà soát, thành lập Đội PCCC chuyên ngành tại các khu công nghiệp, chế xuất theo đúng quy định hiện hành.

Thực hiện: 

Bộ phận VHTT phường

Nguồn: 

Cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội

Viết bình luận

Xem thêm tin tức