Một là: Nghị định 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Nghị định có hiệu lực từ 15/11/2018.
Nghị định này quy định trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên; trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục khác theo quy định của pháp luật (quản lý nhà nước về giáo dục).
Yêu cầu đối với việc quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục là bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục; bảo đảm tương ứng giữa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm với nguồn lực tài chính, nhân sự, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ được giao; xác định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan có liên quan.
Trong đó, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo là ban hành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và quy định chuẩn chương trình đào tạo đối với giáo dục đại học; danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; quy chế đào tạo và liên kết đào tạo.
Bên cạnh đó, quy định việc tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt được phép sử dụng và hướng dẫn lựa chọn tài liệu học tập, sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; quy định về xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo đối với trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học.
Ban hành quy chế thi cử; quy định việc kiểm tra và đánh giá người học; quy định văn bằng, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân và việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam. Chủ trì xây dựng hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng với các nước, tổ chức quốc tế....
Các bộ có trách nhiệm nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhân lực của ngành, lĩnh vực; thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực hợp pháp và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành, lĩnh vực được giao quản lý; chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động và chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục trực thuộc bộ trong phạm vi quyền hạn được giao...
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; bảo đảm đủ biên chế công chức quản lý giáo dục, đủ số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, tiến tới tổ chức học 02 buổi/ngày ở giáo dục phổ thông; chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục, quản lý đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và người học thuộc phạm vi quản lý.
Bố trí đúng, đủ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tại địa phương theo quy định; quản lý, kiểm tra việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và phân cấp quản lý ngân sách hiện hành nhằm đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; thực hiện thu, sử dụng học phí và các khoản thu hợp pháp khác đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc tỉnh; thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực hợp pháp để phát triển giáo dục tại địa phương...
Nghị định cũng quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của UBND cấp huyện, cấp xã, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã; trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Hai là: Nghị định 135/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trong đó sửa đổi, bổ sung điều kiện thành lập và hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2018.
Nghị định đưa ra các điều kiện thành lập và hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, gồm: Có giáo viên đạt trình độ chuẩn; diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ bảo đảm ít nhất 1,5m2 cho một trẻ em; quy định về trang thiết bị đối với một nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập.
Đặc biệt, Nghị định quy định, đối với những nơi mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ tới trường, lớp, các cá nhân có thể tổ chức nhóm trẻ nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em của phụ huynh và phải đăng ký hoạt động với UBND cấp xã, bảo đảm các điều kiện đăng ký hoạt động như sau: Số lượng trẻ em trong nhóm trẻ tối đa là 7 trẻ. Người chăm sóc trẻ có đủ sức khỏe, đủ năng lực chịu trách nhiệm dân sự và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ theo quy định.
Về trang thiết bị đối với một lớp mẫu giáo độc lập: Có bàn, ghế đúng quy cách cho trẻ em ngồi (đặc biệt đối với trẻ em 05 tuổi): Một bàn và hai ghế cho hai trẻ em; một bàn, một ghế và một bảng cho giáo viên; kệ để đồ dùng, đồ chơi; thùng đựng nước uống, nước sinh hoạt. Đối với lớp bán trú: Có ván hoặc giường nằm, chăn, gối, màn, quạt phục vụ trẻ em ngủ.
Về cơ sở vật chất phải bảo đảm điều kiện tối thiểu, phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có diện tích tối thiểu là 15m2; bảo đảm an toàn, thoáng, mát; có đồ chơi an toàn, phù hợp lứa tuổi của trẻ em; có đủ đồ dùng và các thiết bị phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em; có đủ nước uống và nước sinh hoạt cho trẻ em hằng ngày; có phòng vệ sinh và thiết bị vệ sinh phù hợp với trẻ em; có tài liệu hướng dẫn thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Ba là: Ngày 01/11/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BGDĐT quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (hợp nhất các nội dung quy định tại Nghị định soso146/2017NĐ-CP và Nghị định số 135/2018/NĐ-CP). Văn bản có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2018.
Xem chi tiết văn bản tại đây
Viết bình luận