Trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi “to lớn nhất, toàn diện nhất, triệt để nhất, trọn vẹn nhất", kết thúc hơn hai thập niên Bắc - Nam chia cắt, đồng thời chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh ba ngàn ngày mà đế quốc thực dân Pháp và Mỹ gây ra trên lãnh thổ Việt Nam, giải phóng miền Nam thân yêu, giành lại độc lập hoàn toàn cho đất nước.
Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.
Sau hai năm 1973, 1974 và nhất là từ chiến thắng giải phòng toàn tỉnh Phước Long, cục diện chiến trường miền Nam đã thay đổi một cách căn bản, có lợi cho ta. Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng, tháng 10-1974 và đầu năm 1975, đã kịp thời đánh giá đúng lực lượng so sánh giữa ta và địch, vạch rõ sự xuất hiện của thời cơ lịch sử và hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt mùa Xuân năm 1975.
Ngày 10-3-1975, cuộc Tổng tiến công chiến lược và nổi dậy vĩ đại được mở đầu bằng trận đánh hết sức táo bạo, bất ngờ của quân ta vào thị xã Buôn Mê Thuột - một vị trí then chốt, hiểm yếu trong hệ thống phòng ngự của quân địch ở Tây Nguyên. Trận đánh trúng huyệt đó đã làm rung chuyển toàn bộ Tây Nguyên và bắt đầu quá trình sụp đổ không thể cứu vãn nổi của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, quân ngụy phải rút khỏi Kon Tum và Playcu, cả vùng Tây Nguyên rộng lớn đã được hoàn toàn giải phóng. Sau thắng lợi trên, một cao trào tiến công và nổi dậy của quân và dân ta dâng lên mạnh mẽ ở các tỉnh ven biển miền Trung Trung bộ và các tỉnh thành được giải phóng với một nhịp độ dồn dập: Ngày 24-3, tỉnh Quảng Ngãi với thị xã Quảng Ngãi. Ngày 28-3, tỉnh Quảng Nam với thị xã Tam Kỳ. Ngày 1-4, tỉnh Bình Định với thị xã Quy Nhơn. Cùng ngày, tỉnh Phú Yên với thị xã Tuy Hòa. Ngày 2-4, tỉnh Lâm Đồng với thị xã Bảo Lộc. Ngày 3-4, tỉnh Khánh Hòa với thành phố Nha Trang...
Nối tiếp chiến dịch Tây Nguyên, trung tuần tháng 3, chiến dịch tiến công lớn thứ hai của quân ta vào tập đoàn phòng ngự Thừa Thiên - Huế và căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng. Ngày 24-3, thị xã Tam Kỳ được giải phóng. Đà Nẵng trở nên hoàn toàn cô lập. Ngày 26-3-1975, quân ta đã tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Thừa Thiên - Huế, giải phóng cố đô Huế. Trận thắng vẻ vang này đã khẳng định quân và dân ta không những có khả năng tiêu diệt những tập đoàn phòng ngự mạnh của địch ở chiến trường rừng núi mà cũng hoàn toàn có khả năng đập tan những tập đoàn phòng ngự mạnh của địch ở thành phố và đồng bằng ven biển.
Sáng ngày 28-3, từ nhiều hướng khác nhau quân ta tiến công dồn dập và mạnh mẽ vào Đà Nẵng. Đông đảo quần chúng và các lực lượng tự vệ, biệt động trong và ngoài thành phố đã nổi dậy mạnh mẽ và phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực. Đúng 15 giờ ngày 29-3, từ các hướng tiến quân các binh đoàn thần tốc của ta đã gặp nhau ở trung tâm Đà Nẵng.
Phối hợp với các chiến dịch Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, quân và dân ta đã tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, chiếm thị xã An Lộc và giải phóng toàn tỉnh Bình Long, mở rộng vùng giải phóng ở Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Long An, Long Khánh, Bình Tuy và nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long…
Với những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ to lớn của chiến dịch Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, cục diện chiến tranh đã có bước phát triển nhảy vọt, thời cơ lớn để tiêu diệt toàn bộ ngụy quân và ngụy quyền đã tới. Từ giữa hạ tuần tháng 3, trong khi chiến dịch Thừa Thiên - Huế sắp kết thúc thắng lợi, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã chính thức hạ quyết tâm mở chiến dịch lịch sử có ý nghĩa quyết định nhằm đập tan toàn bộ lực lượng ngụy quân, ngụy quyền còn lại, giải phòng hoàn toàn miền Nam. Chiến dịch lịch sử này được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Bước sang tháng 4, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng bắt đầu. Ngày 16-4, quân ta giải phóng Phan Rang, Ninh Thuận, tiếp đó, quân giải phóng lần lượt giải phóng tỉnh Bình Thuận với thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Tân với thị xã Hàm Tân. Ngày 19-4, quân ta đã hoạt động mạnh trên hướng đông, đánh vào Xuân Lộc, Long Khánh. Ngày 21-4, sau những trận chiến đấu ác liệt, quân địch ở Xuân Lộc buộc phải rút chạy. Cùng ngày, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu từ chức và chạy trốn ra nước ngoài.
Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
17 giờ ngày 26/4, quân ta mở cuộc tiến công lớn trên hướng đông và nam Sài Gòn, siết chặt vòng vây chung quanh Sài Gòn. Ngày 28-4, không quân ta tiến công sân bay Tân Sơn Nhất. 0 giờ ngày 29/4/1975, các binh đoàn chủ lực hùng mạnh của ta từ nhiều hướng đồng loạt tổng công kích vào Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của kẻ thù. Với ưu thế áp đảo, quân ta ào ạt tiến công, vừa bao vây tiêu diệt địch ở vòng ngoài, vừa thần tốc, táo bạo thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu quan trọng ở bên trong. Lực lượng tại chỗ và quần chúng trong và ngoài thành phố đã nổi dậy, phối hợp với các binh đoàn chủ lực. Sáng ngày 30/4, một mũi thọc sâu của quân ta đánh thẳng vào trung tâm thành phố, nhanh chóng chiếm phủ tổng thống ngụy. Ngụy quyền trung ương ở Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
Bừng bừng khí thế chiến thắng, đồng bào và chiến sĩ các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt tiến công và nổi dậy. Toàn bộ lực lượng quân ngụy còn lại đã hạ vũ khí đầu hàng. Ngày 1/5, toàn bộ lãnh thổ trên đất liền nước ta hoàn toàn giải phóng. Ngày 2/5, các đảo Côn Sơn, Phú Quốc được giải phóng. Trước đó, trong tháng 4 quân ta đã giải phóng các hòn đảo dọc bờ biển Trung và Nam Trung Bộ, và những đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân ngụy chiếm giữ.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 toàn thắng. Bắc - Nam sum họp một nhà. Trong 55 ngày đêm chiến đấu dồn dập và thần tốc, anh dũng và táo bạo, quân và dân ta đã đập tan hoàn toàn bộ máy chiến tranh khổng lồ và hiện đại của quân ngụy đông tới 1.351.000 tên, được xếp vào loại mạnh nhất ở Đông Nam Á, đã xóa bỏ hoàn toàn bộ máy ngụy quyền từ Trung ương tới cơ sở mà Mỹ đã dày công gây dựng và nuôi dưỡng hơn hai thập niên, chế độ thực dân mới đã hoàn toàn bị sụp đổ. Cuộc Tổng tiến công và nổii dậy mùa Xuân 1975 đã đập tan toàn bộ lực lượng quân sự địch.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài nhất, gian khổ nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài 117 năm của đế quốc xâm lược trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta vĩnh viễn độc lập, thống nhất và đưa cả nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi này làm sáng tỏ chân lý vĩ đại: “Trong thời đại ngày nay, khi các lực lượng cách mạng thế giới ở thế tiến công, một dân tộc nước không rộng, người không đông, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một đảng Mác-Lênin có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, được sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới, thì hoàn toàn có thể đánh thắng mọi thế lực đế quốc xâm lược, dù đó là tên đế quốc đầu sỏ".
Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tháng 12- 1976 đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc".
Âm hưởng của Đại thắng mùa xuân năm 1975 không chỉ là trang sử vẻ vang chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta mà còn bay cao bay xa trên trường quốc tế: “Đối với thế giới, thắng lợi của nhân dân ta đã đập tan cuộc phản công lớn nhất của tên đế quốc đầu sỏ chĩa vào các lực lượng cách mạng kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, đẩy lùi trận địa của chủ nghĩa đế quốc, mở rộng trận địa của CNXH, phá vỡ một phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng, đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn chưa từng thấy, làm yếu hệ thống đế quốc chủ nghĩa, tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của các trào lưu cách mạng thời đại, đem lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng trăm triệu người trên khắp trái đất đang đấu tranh vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và CNHX".
Chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi là chiến thắng của sức mạnh, trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam, của truyền thống văn hoá dân tộc, của sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng thời là sự ủng hộ giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Chiến thắng 30/4 chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam bay cao, bay xa trên trường quốc tế.
Viết bình luận