Theo đó, Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2018, thành phố Hà Nội tập trung vào chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”.
Ban Chỉ đạo 138 các quận, huyện, thị xã; các sở, ban, ngành ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các hoạt động trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 phù hợp với điều kiện và chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, địa phương.
Tổ chức gặp mặt, sinh hoạt câu lạc bộ với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV; truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV, thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng; lợi ích của tư vấn xét nghiệm HIV sớm; lợi ích điều trị sớm HIV/AIDS; lợi ích của BHYT với người nhiễm HIV, vận động người nhiễm HIV chủ động tham gia và sử dụng thẻ BHYT trong khám chữa bệnh cũng như các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.
Các hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình có hiệu quả như: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng do cán bộ y tế và nhân viên cộng đồng thực hiện; mô hình trong dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và chống kỳ thị phân biệt đối xử; các mô hình, các gương điển hình mà người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao đã chủ động tham gia phòng, chống HIV/AIDS, vươn lên làm chủ, tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập và giúp nhau trong cuộc sống.
Tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS tại 15 quận, huyện, thị xã: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sơn Tây, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín.
Các cuộc mít tinh ở cơ sở nên được tổ chức vào thời điểm thuận lợi cho việc huy động cộng đồng tham gia như ngày cuối tuần hoặc Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (01/12/2018). Ngoài mít tinh, có thể tổ chức các hoạt động phối hợp như diễu hành hoặc quần chúng đi bộ, đạp xe, chạy, trưng bày, triển lãm, ca nhạc, biểu diễn kịch, truyền thông lưu động hoặc các sự kiện gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.
Tổ chức vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động, nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Tổ chức các chương trình vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và tổ chức thăm hỏi người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại địa phương.
Ban Chỉ đạo 138 các cấp phân công các thành viên của Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tham gia chỉ đạo, giám sát và dành kinh phí hỗ trợ các địa phương, đơn vị cơ sở tổ chức mít tinh.
UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thăm tặng quà cho các trẻ nhiễm HIV, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV, người nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết các xã, phường, thị. trấn tổ chức mít tinh và diễu hành vào cùng thời điểm theo hướng dẫn...
Viết bình luận