Giới thiệu Lễ hội Huyền Kỳ - Phường Phú Lãm

Xem chi tiết Tại đây

GIỚI THIỆU VỀ LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG KHU DÂN CƯ HUYỀN KỲ

(Thuộc Tổ dân phố 7 + 8, phường Phú Lãm)

         

          Theo cuốn thần phả do Hàn Lâm Lễ Viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và nội các Bộ lại chép lại năm Vĩnh Hựu lục niên 1740 hiện còn lưu giữ trong hậu cung Đình Huyền Kỳ thì Đình Huyền Kỳ thờ Thành hoàng là ông Lãnh Lãng – một vị tướng thời vua Hùng thứ 18, một nhân thần có công với nước với dân, đặc biệt là có công đức ân thâm với cư dân Huyền Kỳ.

            Lễ hội diễn ra trong 02 ngày mồng 7 và mồng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Bắt đầu từ năm 2005, thể theo nguyện vọng của nhân dân, lần đầu tiên Lễ hội được tổ chức theo hình thức đại đám (có tổ chức rước kiệu từ Đình làng ra Quán). Tiếp đó tổ chức đại đám vào năm 2010. Duy trì những năm tiếp theo sẽ tổ chức đại đám 5 năm một lần, các năm còn lại tổ chức lễ hội thường niên.

            Lễ hội diễn ra tại Đình và Quán Huyền Kỳ, Tổ dân phố 7 và 8 Huyền Kỳ, phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội.

            Tham gia Lễ hội là toàn thể dân làng khu dân cư Huyền Kỳ (2 tổ dân phố 7 và 8); các gia đình đều tham gia vào lễ hội cùng khách thập phương. Đặc biệt là vai trò của các cụ trong Chi hội Người cao tuổi và các Hội đồng niên trong tổ dân phố thực hiện các phần việc theo sự phân công của Ban tổ chức lễ hội. Cụ thể số lượng người tham gia Lễ hội khi tổ chức đại đám như sau:

          -  Tổng số người tham gia phục vụ kiệu Long Đình: 47 người gồm mang 1 người trống khẩu, 2 người cầm quàn cò, 8 người khiêng kiệu, 16 người cầm cờ, 2 người đẩy xe ngựa, 2 người đẩy xe trống, 2 người đẩy xe chiêng, 8 người đánh trống dờn, 6 người mang trùy đồng cổ vật. Yêu cầu giới tính nam, có sức khỏe.

          - Tổng số người tham gia phục vụ kiệu Hoa: 31 người gồm 1 người mang trống khẩu, 2 người cầm tán dài, 2 người cầm tấm biển, 2 người mang đao, 16 người cầm bát bửu, 8 người khiêng kiệu. Yêu cầu giới tính nam.

          - Tổng số người tham gia phục vụ kiệu Bát cống: 48 người gồm 1 người đánh trống khẩu, 1 người cầm cờ vía, 2 người cầm lọng vàng, 2 người cầm quạt cò, 16 người khiêng kiệu, 20 người trong Đội tế, 6 em múa sinh tiền. Yêu cầu đối với quân khiêng kiệu: giới tính nam, có sức khỏe, chọn nam thanh tú chưa vợ. Đội tế là các cụ cao niên trong Ban hành lễ.

          - Tống số người tham gia phục vụ kiệu Song loan: 22 người gồm 1 người đánh kẻng, 1 người mang lọng đỏ, 4 người cầm đèn lồng, 8 người cầm lá phướn, 8 người khiêng kiệu. Yêu cầu là nữ giới, đặc biệt đối với quân khiêng kiệu chọn nữ thanh tú chưa chồng.

          Tổng số người phục vụ 4 kiệu là 148 người, thêm vào đó là Tổ dâng hương, bộ phận điều hành, bảo vệ, bộ phận phục vụ khoảng 70 người. Tổng số hơn 200 người.

          Vào ngày hội, những người tham gia dâng lễ vào trong cung, những người tham gia tổ tế, tổ dâng hương trước ngày dâng lễ đều phải tẩy uế bằng nước gừng, hiện nay dùng nước ngũ vị. Đối với những người tham gia là Chủ tế: yêu cầu phải chọn người am hiểu về lễ nghi, có uy tín trong dân và có gia thế song toàn.

          Lệ làng cũng qui định những gia đình nào có tang, có bụi thì kiêng không ra Đình làm lễ. Trước kia, qui định Phụ nữ không được vào trong Đình làm lễ, trong dịp lễ hội những người phụ nữ chỉ được đứng ở ngoài sân lễ vào. Tuy nhiên hiện nay qui định đó không bắt buộc thực hiện, nhưng tuyệt đối phụ nữ không được vào trong khu vực cung cấm của nhà Thánh.

          Qui định trong thời gian đang tổ chức hành lễ (Tế, dâng hương) thì nhân dân, khách thập phương, người không có nhiệm vụ không được vào khu vực hành lễ, Ban tổ chức có bố trí bộ phận nhận lễ và chỉ được lễ vọng vào Đình.

* Mô tả ngắn gọn các nghi lễ chính trong lễ hội:

          Phần lễ: Do các cụ trong Ban hành lễ (Tổ tế của các cụ ông và Tổ dâng hương của các cụ bà) chịu trách nhiệm.

          Phần hội: Do các chi hội đoàn thể (đặc biệt là Chi đoàn thanh niên, Phụ nữ) trong khu dân cư chịu trách nhiệm.

          Mô tả chi tiết (Nghi thức tổ chức đại đám có rước):

          * Ngày mồng 7 tháng giêng:

Buổi sáng: Mở cửa Đình, làm công tác chuẩn bị, triển khai bày đồ nhà Thánh thực hiện theo qui định từ nhiều năm nay:

+ Dưới sân 2 cột tre để cắm 2 quạt cò.

+ Bên phía bờ giếng Đình để kiệu Bát Cống, trước kiệu để một giá kiếm.

+ Bên sân phía cây muỗm (ở sân Đình) để kiệu Hoa, trước kiệu Hoa để giá kiếm.

+ Mỗi bên một tán tàu dài.

+ Hai bên bày đẳng tế.

+ Trống bên tây, Chiêng bên đông.

+ Kiệu Long Đình để bên phía cây muỗm.

+ Kiệu Song Loan bày phía bờ giếng Đình, 2 kiệu đối nhau, Song Loan có 4 cây đèn, 8 lá phướn, 1 lọng đỏ.

+ Trước kiệu Long Đình và Song Loan mỗi bên đặt 1 giá bát tiên, rồi tiếp mỗi bên một giá bát bửu cách 50cm để đi vào thắp hương. Mỗi bên có một giá trùy đồng cổ vật; để một giá trước cửa bình phong cắm 2 lá cờ thần, 1 lá cờ vía.

+ Xe ông ngựa để cạnh tường hoa sân phía bờ giếng Đình.

+ Cờ ngũ hành cắm rải ra ngoài tường hoa phía bờ ao Đình.

Buổi chiều: (khoảng 13h) những người tham gia tổ tế, tổ dâng hương, hội bát âm, hội múa xinh tiền, tổ trống dờn, hai giới các cụ và dân làng làm lễ rước văn từ Đình tới nhà cụ viết văn và ngược lại.

Từ 18h, hai giới các cụ và toàn thể dân làng về Đình làm lễ dâng hương (Tổ dâng hương gồm 16 cụ bà trực tiếp đảm trách). Đội hình Tổ dâng hương gồm: 1 bà chủ tế, 1 bà Đông Xướng, 1 bà Tây Xướng, 1 bà đọc văn, 5 bà bồi tế và các bà còn lại chia 2 đẳng phụ trách dẫn rượu. Bà Đông Xướng chịu trách nhiệm chính trong việc hô hiệu lệnh nghi lễ (gồm 79 lệnh), sau mỗi lệnh của bà Đông Xướng, mỗi  người sẽ thực hiện căn cứ theo từng vai đã được phân công.

Buổi tối: (Từ 20h) Tổ chức diễn văn nghệ quần chúng (Do Đội văn nghệ khu dân cư đảm trách).

Đến 22h: Tiến hành lễ ngự dội và bao sái phong y, sau đó tế sinh nhật, lễ lượt trong Đình.

          * Ngày mồng 8 tháng giêng:

          - 6 giờ sáng: Ban tổ chức lễ hội thắp hương tưởng niệm Bác Hồ tại Nhà văn hóa, sau đó làm công tác chuẩn bị rước.

          - 6 giờ 30: Tổ chức khai mạc Lễ hội tại Sân Đình.

          - Đúng 7 giờ: Tiến hành Lễ Phụng nghênh rước Thành Hoàng từ Đình ra Quán. Tất cả Đội hình tham gia rước đều phải chú ý nghe và thực hiện đúng theo hiệu lệnh của Người điều hành trống khẩu và sắp xếp theo đúng đội ngũ.

          Khi rước ra tới Quán làm công tác đề Thành Hoàng lên Quân yên thần vị. Sau đó, tiến hành bày đồ thờ, lễ vật, Ban hành lễ làm lễ xong thì làm nghi thức bát tiên, bát bửu đứng hai bên đón Quan Anh (Đoàn nào đến trước thì lễ trước, đoàn nào đến sau thì lễ sau), xong mời Quan anh vào vị trí an tọa.

          Sau khi đón Quan anh xong, Tổ tế vào làm lễ và tiến hành tế (Đội hình tổ tế các cụ ông cũng tương tự như Tổ dâng hương của các cụ bà). Sau tế là tế tất (đơn vị sở tại lễ trước), sau đơn vị sở tại đến các đoàn quan anh làm lễ theo thứ tự như sau:

          + Đoàn Thượng Mạo

          + Đoàn Bắc Lãm 1, 2

          + Đoàn Động Lãm

          + Đoàn Quang Lãm

          Sau đó làm nghi lễ tiễn quan khách bao gồm: Hội bát âm, tổ trống dờn, tổ múa sinh tiền, tổ tế, tổ dâng hương, hai giới các cụ và toàn thể dân làng.

          - Từ 13 giờ - 14 giờ: Tổ chức biểu diễn võ thuật tại sân Đình, chương trình văn nghệ hát quan họ, chèo thuyền tại ao phía trước Đình; đồng thời tổ chức các trò chơi dân gian như: Chọi gà, cờ tướng, đu quay ….

          - Đến 16 giờ: làm công tác chuẩn bị thu quân kiệu để rước Thành Hoàng về Đình. Khi rước về tới đầu làng (vị trí Nhà trẻ mẫu giáo hiện có) tiến hành làm lễ tiệc yến. Sau đó, rước Thành Hoàng về Đình, rước Hoàn cung về vị trí và làm lễ yên thần vị.

          Sau ngày hội, Ban tổ chức lễ hội, hai giới các cụ và toàn thể dân làng ra Đình làm lễ tế giã, hóa vàng và rút kinh nghiệm.

* Lễ vật, đồ cúng phục vụ Lễ hội:

          + Đêm mồng 7: Lễ vật gồm có lễ mặn, 3kg gạo xôi, 1 con gà giò, hương hoa, trầu, rượu.

          + Sáng ngày mồng 8 (ngày Đại kỳ phước): Lễ vật gồm 1 mâm xôi (bằng 5kg gạo), 1 con gà giò, đóng xôi vào mâm bồng dâng ra Quán gọi là mâm xôi cai đám, hương hoa, trầu, rượu. Nếu tổ chức rước thì rước mâm xôi có 2 người khiêng, có 1 lọng che và 1 trống khẩu đi theo. Khi tổ chức rước về, bày lễ tiệc yến, lễ vật gồm mâm xôi (3kg gạo), 1 con gà giò, hương hoa trầu, rượu.

          + Tối ngày mồng 8: Lễ yên thần vị - lễ vật gồm 3 kg gạo đóng oản, chuối theo oản, hương hoa, trầu, rượu. Riêng phần lễ này tế xong thì mời các cụ cùng quan viên thụ lộc.

          + Lễ vật tế giã rút kinh nghiệm sau ngày hội gồm lễ mặn có 6 kg gạo xôi, đóng oản, 5 kg thịt lợn thủ, chuối mua theo oản, hương hoa, trầu, rượu. Tế xong mời toàn dân thụ lộc, phát lộc cho các bộ phận. Sau đó tổ chức hóa vàng và đóng cửa Đình

          - Trang phục: Trang phục của các cụ ông trong Tổ tế là áo dài màu xanh, quần trắng, mũ cánh chuồn, đi hia xanh; riêng áo của ông Chủ tế có hình bối tử trước ngực áo. Trang phục của các cụ bà trong Tổ dâng hương là áo dài vàng, quần trắng; riêng bà Chủ tế mặc áo màu đỏ. Trang phục cho các bộ phận khiêng kiệu: Kiệu Long đình là áo dài nâu, quần trắng khăn xếp; bộ phận khiêng kiệu Hoa là áo dài thâm, quần trắng, khăn xếp; kiệu Bát cống là trang phục áo dài đen, quần trắng, khăn xếp, mỗi người có 2 khăn đỏ; kiệu Song loan là aó dài  đỏ, quần trắng, mỗi người có 1 khăn đỏ.

          - Nhạc cụ trong việc lễ đình gồm có trống cái, trống khẩu dùng để điều hành, giữ nhịp cho người hành lễ, chiêng, tù và, hội trống dờn tạo không khí, hội bát âm. Nhạc nhã được sử dụng chính là nhạc cung đình./.

Thực hiện: 

BP VHTT phường

Viết bình luận

Xem thêm tin tức