Ngày 9/8, tại UBND quận Hà Đông, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các quận, huyện, thị xã vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội thảo.
Xây dựng chính quyền đô thị với đặc trưng của Thủ đô
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện qua Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng, các Hội nghị T.Ư, nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền đô thị các cấp nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước, giữ vị trí đặc biệt quan trọng, là nơi tập trung các cơ quan T.Ư của toàn bộ hệ thống chính trị. Đồng thời, cũng là TP lớn với mật độ dân số cao.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội nghị
Khu vực đô thị của TP với kết cấu hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng cơ bản đồng bộ, thống nhất và tương đối hoàn chỉnh, không phụ thuộc vào địa giới hành chính quận, phường. Khu vực nông thôn và đô thị cũng không còn bị cản trở bởi khoảng cách địa lý.
Tại các huyện, xã đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh chóng, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống của Nhân dân có sự đan xen giữa các yếu tố của nông thôn và đô thị và ngày càng phát triển theo hướng đô thị hóa....
Tuy nhiên, tổ chức chính quyền các cấp ở TP Hà Nội hiện nay trên thực tế còn có một số hạn chế, bất hợp lý, cả về phân định nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức bộ máy; phương thức hoạt động, cơ chế điều hành, chính sách phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực chưa phù hợp với đối tượng, đặc thù quản lý ở đô thị và quá trình đô thị hóa ở khu vực nông thôn đang thay đổi nhanh chóng.
Với xu hướng đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam, việc triển khai mô hình chính quyền điện tử, cuộc cách mạng 4.0 và hình thành các đô thị thông minh hiện nay đang dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức, phương thức quản lý, tác động đến các cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cả người dân, DN và xã hội.
Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị.
Tại Kết luận số 22-KL/TW ngày 07/11/2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Chính trị đã “đồng ý để TP Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”.
Hà Nội là địa phương đầu tiên được T.Ư và Chính phủ giao cho xây dựng mô hình chính quyền đô thị, theo hướng xây dựng mô hình chính quyền đô thị Hà Nội với đặc trưng Thủ đô và đô thị đặc biệt đang trong quá trình đô thị hóa nhanh.
“Xuất phát từ những căn cứ, cơ sở thực tiễn trên, việc triển khai xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị Hà Nội là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền TP Hà Nội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Đồng thời, nêu rõ mục tiêu của việc xây dựng Đề án là nghiên cứu, đề xuất phương án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TP Hà Nội (đô thị đặc biệt). Trong đó, tập trung vào mô hình tổ chức chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) của TP Hà Nội và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn).
Đại diện các quận huyện phát biểu tại Hội nghị.
Mô hình tổ chức hai cấp chính quyền, một cấp hành chính
Tại hội nghị, đa số các đại biểu tán thành thiết kế mô hình thí điểm tổ chức chính quyền đô thị theo phương án 1. Đó là, xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp TP và cấp quận huyện); một cấp hành chính (tại xã, phường, thị trấn).
Đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy chính quyền cấp huyện và cấp xã của TP Hà Nội, các đại biểu đã nêu ra những ưu điểm, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức bộ máy; phương thức hoạt động; cơ chế điều hành, chính sách phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực. Đồng thời, chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém, bất hợp lý; mạnh dạn đưa ra những ý kiến đề xuất về tổ chức bộ máy, về phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực.
Đồng thời, các đại biểu cho rằng thời gian thực hiện Đề án nên bắt đầu từ đầu năm 2021. Triển khai thí điểm Đề án ở các phường trong các quận, các xã tại các huyện đang trong quá trình đô thị hóa nhanh và tiệm cận trở thành quận, các xã thuần nông. Ngoài ra, cần làm tốt công tác chính sách cán bộ trong diện thực hiện Đề án.
Đại diện quận, huyện phát biểu tại Hội nghị.
Trân trọng tiếp thu và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, mang tính xây dựng của các đại biểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, nhiều ý kiến phát biểu tập trung làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.
Trên cơ sở nhất trí tổ chức mô hình thí điểm với phương án 1, các ý kiến đã tập trung làm rõ hơn về cơ sở đề xuất mô hình. Đánh giá, bổ sung những ưu điểm, nhược điểm của từng phương án. Đánh giá những hạn chế, vướng mắc, những thuận lợi và khó khăn trên thực tế đối với bộ máy chính quyền cấp huyện và cấp xã. Đánh giá tác động đến việc phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của địa phương và cuộc sống của người dân khi thực hiện. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT. Đặc biệt là gắn việc xây dựng chính quyền đô thị với xây dựng thành phố thông minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Về tổ chức, hoạt động và mối quan hệ của tổ chức Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong mô hình bao gồm mối quan hệ giữa cấp ủy với chính quyền các cấp; mối quan hệ giữa cấp ủy với các đảng viên hoạt động trong HĐND, UBND; giữa người đứng đầu cấp ủy với người đứng đầu HĐND, UBND; mối quan hệ giữa Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội với chính quyền các cấp, đảm bảo giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Trong đó, phát huy hơn nữa quyền làm chủ của Nhân dân thông qua hoạt động giám sát, đối thoại…
Về lộ trình tổ chức và các giải pháp để thực hiện Đề án, các ý kiến cho rằng cần phải thận trọng, chặt chẽ, tăng cường các điều kiện đảm bảo thực thi thông qua việc động viên hợp lý các nguồn lực tài chính, thực hiện cân đối ngân sách tích cực và sự đồng tâm nhất trí, sự tham gia của các Bộ, Ban ngành T.Ư, các cơ quan Đảng của TP, chính quyền TP và chính quyền các cấp thuộc TP, MTTQ và các Đoàn thể của TP.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý, khi Đề án đã được thông qua thì phải thực hiện với quyết tâm chính trị cao. Trong quá trình thực hiện, cần làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức từ TP đến cơ sở, tạo đồng thuận cao trong xã hội./.
Viết bình luận