MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

Từ ngày 01/01/2022, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính (Luật số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020); Luật phòng, chống ma túy năm 2021; Nghị định 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Phòng, chống ma túy (Nghị định 105); Nghị định 116 quy định chi tiết một số điều của luật phòng chống ma túy, luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện (Nghị định 116); Nghị định 109/2021/NĐ-CP ngày 08/12/2021 của Chính phủ quy định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy (Nghị định 109); Thông tư 18/2021/TT-BYT ngày 16/11/2021 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn chẩn đoán và quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy (Thông tư 18) có hiệu lực thi hành, trong đó có một số quy định mới về áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc cần lưu ý trong quá trình kiểm sát, cụ thể như sau:

 1. Quy định về điều kiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020: Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi quy định nêu trên theo hướng không quy định cụ thể đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy. Cụ thể: Khoản 1 Điều 96 Luật XLVPHC năm 2012 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy”.

 2. Quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:

 2.1 Đối tượng từ 18 tuổi trở lên: Theo quy định tại Điều 32 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật xử lý VPHC khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;

- Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

- Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;

- Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.

Theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, người đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào CSCNBB chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định và tổ chức quản lý, hỗ trợ xã hội sau cai nghiện ma túy (khoản 2 Điều 40).

Căn cứ các quy định nêu trên, có thể thấy, đối với biện pháp xử lý hành chính đưa vào CSCNBB, Luật số 67/2020/QH14 đã bỏ quy định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước khi áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiên bắt buộc đối với đối tượng là người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định. Quy định mới này của Luật số 67/2020/QH14 không còn sự phân biệt giữa người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định và người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định. Theo đó, tất cả các đối tượng nêu trên, nếu có đủ các điều kiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiên bắt buộc.

 2.2 Đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi: Cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi (không coi là biện pháp xử lý hành chính), đây là quy định hoàn toàn mới. Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 với tinh thần nêu trên đây là một trong các biện pháp hỗ trợ nhằm giúp trẻ em cai nghiện, phục hồi về sức khỏe, hành vi để tiếp tục học tập, trở thành người có ích cho xã hội; để bảo vệ tốt nhất các quyền của trẻ em nên Luật phòng, chống ma túy năm 2021 đã có 1 điều  riêng quy định cụ thể về việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (Điều 34); Nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi.

- Thời hạn cai nghiện bắt buộc cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng.

- Thẩm quyền quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét quyết định và không bị coi là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

- Hồ sơ đề nghị xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bao gồm: Biên bản vi phạm, bản tóm tắt lý lịch, tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó, bản tường trình của người nghiện ma túy hoặc người đại diện hợp pháp của họ, ý kiến cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp; Văn bản của Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện về việc đề nghị xem xét đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong đó nội dung phải nêu ý kiến về bảo vệ quyền trẻ em. (Điều 33, 34)

- Các cơ sở cai nghiện công lập thì phải bố trí khu riêng cho người nghiện từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi, đảm bảo tốt nhất về quyền trẻ em trong quá trình cai nghiện tại cơ sở cai nghiện. Trong thời gian quản lý sau cai mà tái nghiện thì tiếp tục được cai nghiện tự nguyện. Những quy định trên đã thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước, nhưng cũng là biện pháp theo dõi, quản lý chặt chẽ hơn đối với trẻ em nghiện, bảo đảm quyền trẻ em cũng như bảo vệ trẻ em tránh xa ma túy.

- Theo quy định tại khoản 4 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma tuý, thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục này chưa được quy định cụ thể. Theo quy định tại khoản 5 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Với lý do trên thì việc ban hành Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là một yêu cầu cấp thiết (Hiện Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đã cho ý kiến đối với dự thảo pháp lệnh trên và sẽ xem xét thông qua trong thời gian tới).

 3. Quy định về trình tự, thủ tục lập hồ sơ: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC đã sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính liên quan đến người nghiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc, quá trình áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng, cụ thể: Luật sửa đổi các quy định liên quan đến thủ tục kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo hướng: (1) Không quy định việc kiểm tra tính pháp lý thành một thủ tục riêng biệt, độc lập; (2) không quy định thẩm quyền kiểm tra tính pháp lý của Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện đối với hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào CSCNBB. Thay vào đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC quy định rõ, cơ quan nào lập hồ sơ đề nghị thì phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ (Điều 103). 

 4. Quy định về quản lý người nghiện ma túy (Luật phòng chống ma túy): Luật quy định việc quản lý người sử dụng ma túy ngay từ lần đầu. Thời hạn quản lý là 1 năm kể từ ngày có quyết định quản lý của Chủ tịch UBND cấp xã. Bổ sung các quy định nhằm quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy như:

+ Người sử dụng trái phép chất ma túy được Công an xã nơi cư trú lập danh sách và được quản lý, theo dõi, hỗ trợ trong thời gian 01 năm kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định quản lý. Luật quy định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý hành chính. (Điều 23)

+ Người nghiện ma túy trong thời hạn cai nghiện tự nguyện hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. (Điều 32)

+ Người đã hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện, người đã hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế phải chịu quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú. (Điều 40)

- Bổ sung quy trình cai nghiện ma túy gồm các bước: (1) Tiếp nhận, phân loại; (2) Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác; (3) Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; (4) Lao động trị liệu, học nghề; (5) Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Việc cai nghiện ma túy bắt buộc phải bảo đảm đầy đủ 05 giai đoạn trên; việc cai nghiện ma túy tự nguyện phải bảo đảm hoàn thành đủ 03 giai đoạn (1), (2), (3).

 5. Quy định về địa điểm xác định tình trạng nghiện ma túy (khoản 2 Điều 2 Nghị định 109):

+ Địa điểm xác định tình trạng nghiện ma túy được thực hiện tại nơi giam giữ hành chính đối với người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính.

+ Địa điểm xác định tình trạng nghiện ma túy được thực hiện tại cơ sở y tế đủ điều kiện hoặc địa điểm do cơ quan Công an đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy thống nhất với cơ sở y tế lựa chọn đối với người không bị tạm giữ theo thủ tục hành chính. Cơ quan Công an có trách nhiệm phối hợp với cơ sở y tế bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy tại địa điểm được lựa chọn.

6. Quy định về cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy (Điều 3 Nghị định109): Nghị định 109 có nhiều quy định mới về điều kiện cơ sở y tế thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy. Theo đó, cơ sở y tế thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

+ Là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa nội hoặc chuyên khoa tâm thần hoặc điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; cơ sở giám định pháp y tâm thần (Danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế nghiên cứu, công bố trong thời gian tới).

+ Theo quy định cũ tại Thông tư Liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 09/7/2015, người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy là Bác sỹ hoặc y sỹ…. theo quy định tại Nghị định 109/2021/NĐ-CP chỉ có Bác sĩ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị định mới có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy, y sỹ không còn thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy nữa, trừ trường hợp quy định tại Điều 11 Nghị định 109.

7. Quy định về xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện đối với các đối tượng cụ thể để phân loại và áp dụng biện pháp quản lý cai nghiện phù hợp:

+ Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đối với các đối tượng sau: Người bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; người mà cơ quan, người có thẩm quyền có căn cứ cho rằng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời hạn quản lý; người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; đang cai nghiện ma túy; đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy. (Điều 22 Luật Phòng chống ma túy)

+  Xác định tình trạng nghiện ma túy được thực hiện với các đối tượng: Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời gian quản lý bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; người sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định; người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; người đang trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma túy.(Điều 27 Luật Phòng chống ma túy).

 8. Hệ thống biểu mẫu sử dụng trong cai nghiện ma túy bắt buộc:

Kể từ ngày Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành (01/01/2022) biểu mẫu sử dụng trong công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào CSCNBB được thực hiện theo hệ thống biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định 116, Nghị định 109 của Chính phủ..

Thực hiện: 

BP LĐ TB&XH phường

Viết bình luận

Xem thêm tin tức