Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 27/8, Sở Tư pháp có Văn bản số 1229/STP-TTr giới thiệu một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19 và một số quy định khác có liên quan.

Theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (Nghị định số 117/2020/NĐ-CP) và các quy định khác có liên quan, một số hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 với mức xử phạt, cụ thể:

 

1. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời khi phát hiện người khác mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này): Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

 

2. Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm; không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân (trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này): Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

 

3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (Theo quy định Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 của Bộ Y tế) của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

 

4. Không khai báo hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế; không đăng ký theo dõi sức khỏe với trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sau khi ra viện hoặc kết thúc việc điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (Điểm a, điểm b, khoản 1 Điều 10 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

 

5. Không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế khi phát hiện môi trường có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng (Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

 

6.  Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Điểm b khoản 2, khoản 3 Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP). Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

 

7. Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (Điểm a, khoản 1 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

 

8. Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (Điểm a, khoản 2 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

 

9.  Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Điểm a, khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

 

10. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Điểm b, điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

 

11. Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Điểm a, khoản 4 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

 

12. Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (Điểm a khoản 5 và điểm d, khoản 6 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP). Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xử lý y tế phương tiện vận tải.

 

13. Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (Điểm b, khoản 5 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

 

14. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trừ các trường hợp quy định tại các điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP).

 

15. Lợi dụng dịch bệnh để định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với thuốc, trang thiết bị y tế, nguyên liệu làm thuốc, nguyên liệu sản xuất trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (Khoản 3, khoản 4 Điều 14 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP.

 

Hình thức xử phạt bổ sung: (a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng; (b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm trên 50.000.000 đồng hoặc trường hợp tái phạm.

 

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả cho người mua hoặc người bán toàn bộ số tiền chênh lệch. Trường hợp không hoàn trả được cho khách hàng thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

 

16. Lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Điểm a, d, khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử).

 

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

 

17. Bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (Khoản 3, khoản 7 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn). Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.

 

Thực hiện: 

Bộ phận Tư pháp phường

Viết bình luận

Xem thêm tin tức