Ngày 20/6, UBND TP Hà Nội ban hành Báo cáo số 193/BC-UBND với Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế về “Kết quả thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 9/5/2019, của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP quý II/2019” của thành phố.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp và đạt được những kết quả cụ thể. Đơn cử, trong công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trong lưu thông, thành phố tiếp tục hợp tác, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản với 21 tỉnh phía Bắc trong chuỗi cung ứng rau, thịt cho Hà Nội; giới thiệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Hà Nội kết nối với các cơ sở sản xuất của các tỉnh, thành phố; giới thiệu hệ thống phân phối nông sản tại Hà Nội… Qua đó, đã có nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp được ký kết.
Thành phố cũng tiếp tục chủ động trong công tác kết nối sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản với 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối Chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho thành phố Hà Nội; đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ cung cấp thông tin nhà sản xuất các địa phương tới doanh nghiệp phân phối, chuỗi thực phẩm Hà Nội để xây dựng kế hoạch tổ chức kết nối, tiêu thụ sản phẩm năm 2019; thông tin các hoạt động xúc tiến, tiêu thụ nông sản thực phẩm của các tỉnh, thành phố để các đơn vị Hà Nội nghiên cứu, tham gia.
Hiện, trên địa bàn thành phố, các siêu thị đã tập trung phát triển mạng lưới, phủ khắp các khu vực nội thành và phát triển về khu vực ngoại thành: Hệ thống Vinmart có tổng số có 42 siêu thị, hơn 700 cửa hàng tiện ích và đang tiếp tục phát triển, nhân rộng; hệ thống siêu thị Lan Chi bao gồm 13 siêu thị; hệ thống Intimex có 6 siêu thị; hệ thống T&T có 43 siêu thị, cửa hàng tiện lợi; hệ thống Coopfood có 31 cửa hàng tiện lợi, hệ thống Circle K có 121 cửa hàng; hệ thống K-mart có 25 cửa hàng; hệ thống T-martstores có 36 cửa hàng... Ngoài ra, còn hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích của các doanh nghiệp khác đang tiếp tục nhân rộng trên địa bàn thành phố. Các siêu thị và cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố là hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn và là địa chỉ có uy tín cho người tiêu dùng.
Việc đầu tư trang thiết bị đo kiểm di động hoặc cố định tại các trung tâm thương mại, chợ nông sản lớn trên địa bàn thành phố cũng đã giúp người dân nhận biết thực phẩm an toàn, thực phẩm không an toàn. Tính riêng quý II/2019, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT đã tiến hành lấy 619 mẫu nông lâm thủy sản và đã có kết quả của 504 mẫu. Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã sử dụng 13 lượt xe kiểm nghiệm nhanh của thành phố, xét nghiệm nhanh 28 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản, các mẫu đều âm tính. Còn Sở Y tế và Sở Công Thương đã lấy mẫu thực phẩm xét nghiệm labo 379 mẫu, gồm 139 mẫu thực phẩm ăn ngay, 226 mẫu ngũ cốc, hạt, quả khô, bột, 14 mẫu nước uống đóng chai; kết quả 364/379 mẫu đạt.
Ngoài ra, trong quý II/2019, Sở Y tế đã cấp 264 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm cho 43 hồ sơ, cấp 354 giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm thực phẩm, tiếp nhận 850 bản tự công bố sản phẩm. Sở NN&PTNT cấp 58 GCN đủ điều kiện ATTP; tiếp nhận 240 bản tự công bố sản phẩm thực phẩm. Sở Công Thương cấp 558 GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP, cấp 183 giấy xác nhận kiến thức ATTP cho 3375 người; tiếp nhận 4522 bản tự công bố sản phẩm.
Về một số nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung nêu rõ trong: Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 10-CT/TU của Thành ủy Hà Nội; Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm và kế hoạch bảo đảm ATTP năm 2019 của thành phố…
Viết bình luận