Nhiều văn bản, chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2022

​Bắt đầu từ tháng 8/2022, hàng loạt quy định liên quan đến giao thông, đô thị, hỗ trợ người nghèo... bắt đầu có hiệu lực.

MH 31722.jpg 

Từ ngày 1/8/2022, thu phí tự động trên tất cả các tuyến cao tốc.

Thu phí tự động trên tất cả các tuyến cao tốc

Tại Thông báo số 186/TB-VPCP kết luận về vấn đề triển khai hệ thống thu phí không dừng, Văn phòng Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ trong thời gian tới như sau: 

Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương tập trung chỉ đạo các nhà đầu tư hoàn thành lắp đặt các làn thu phí còn lại trước ngày 31-7-2022 để triển khai thu phí điện tử đồng bộ trên toàn quốc kể từ ngày 1-8-2022; trong đó triển khai thu phí hoàn toàn tự động đối với tất cả các tuyến đường cao tốc. Tổng Công ty VEC tập trung thực hiện các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các làn thu phí còn lại, phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC hoàn thành toàn bộ công việc lắp đặt, vận hành thiết bị thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí trước ngày 31-7-2022 như đã cam kết. Như vậy, tất cả các tuyến cao tốc trên cả nước dừng hình thức thu phí thủ công, chuyển sang sử dụng đồng loạt hệ thống thu phí tự động. Các phương tiện không dán thẻ đầu cuối sẽ không thể lưu thông trên các tuyến cao tốc từ ngày 1-8-2022. 

Trường hợp xe không dán thẻ ETC mà cố tình đi vào cao tốc, người điều khiển ôtô sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng, đồng thời còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng (điểm c khoản 4 và điểm b khoản 11 điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Người dân cũng có thể đăng ký dịch vụ dán thẻ ETC tại nhà đối với thẻ ePass của Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam hoặc thẻ e-Tag thuộc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tiền để xây nhà

Thông tư số 01/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, có hiệu lực từ ngày 15-8-2022. Đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo sau đây được hỗ trợ xây nhà mới 40 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà 20 triệu đồng/hộ:

Hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) trong danh sách hộ nghèo; hộ cận nghèo do UBND cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành tối thiểu 3 năm.

Đối tượng thụ hưởng hỗ trợ nhà ở không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác. 

Đăng ký cấp quyền khai thác thông tin về nhà ở

Theo hướng dẫn tại khoản 3, điều 24 Nghị định 44/2022/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký cấp quyền khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản thì phải gửi phiếu yêu cầu cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo một trong các hình thức sau: Nộp trực tiếp theo hình thức văn bản. Gửi qua đường công văn, fax, bưu điện. Đăng ký trực tuyến trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin. 

Trong thời hạn tối đa 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phải xem xét cấp quyền truy cập quyền khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản hợp lệ cho cá nhân, tổ chức yêu cầu. Trường hợp từ chối thì phải trả lời nêu rõ lý do. 

Hiện nay, Nghị định 117/2015/NĐ-CP mới chỉ quy định về tổ chức, cá nhân được quyền yêu cầu cung cấp thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản nhằm phục vụ những mục đích chính đáng của mình mà không hướng dẫn về cách thức yêu cầu cung cấp thông tin. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15-8-2022.

Không phân loại rác sinh hoạt sẽ bị phạt đến 1 triệu đồng

Đây là một trong những nội dung hoàn toàn mới được ghi nhận tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, áp dụng từ ngày 25-8-2022. Cụ thể, khoản 1 điều 26 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Như vậy, nếu không phân loại chất thải rắn trong sinh hoạt, cá nhân, hộ gia đình có thể bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng. 

Ngoài ra, Nghị định 45 cũng bổ sung thêm rất nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị phạt trong thời gian sắp tới, như: Hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính bị phạt từ 2,5 - 3 triệu đồng (theo khoản 1 điều 40 Nghị định 45/2022/NĐ-CP). 

Hành vi thải chất gây mùi khó chịu, hôi thối vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng (điểm b khoản 1 điều 20 Nghị định 45/2022/NĐ-CP). 

Hành vi rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước trái quy định về bảo vệ môi trường bị phạt từ 40 - 50 triệu đồng (theo khoản 1 điều 24 Nghị định 45/2022/NĐ-CP)…

Quy định mới về tiền lương 

Từ tháng 8-2022, hàng loạt các quy định mới liên quan đến xếp lương, tiền lương của viên chức ngành công nghệ thông tin, văn hóa, thư viện... sẽ có hiệu lực. Cụ thể viên chức công nghệ thông tin có hệ số lương cao nhất là 8,0. Nội dung này được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tại Thông tư 08/2022/TT-BTTTT có hiệu lực từ 15-8-2022 quy định về xếp lương viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin. Cũng từ 15-8-2022, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định về xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện tại Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL chính thức có hiệu lực. 

Ngoài ra, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-BVHTTDL hướng dẫn xếp lương cho viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở, có hiệu lực từ 25-8-2022. Theo đó, lương viên chức văn hóa cơ sở cao nhất hơn 9,5 triệu đồng/tháng.

 

Thực hiện: 

BP VHTT phường

Nguồn: 

Cổng Thông tin điện tử Quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức