Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát, từ đầu năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 868 vụ, với 1.140 đối tượng, lừa bán 2.355 nạn nhân, hơn 80% số vụ mua bán người ra nước ngoài tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc. Trong đó, buôn bán người sang Trung Quốc chiếm 70%. Số nạn nhân bị lừa bán theo hình thức di cư hợp pháp chiếm tỷ lệ rất thấp, phần lớn bị lừa bán thông qua di cư trái phép ra nước ngoài.
Hiện nay, mỗi năm có khoảng sáu triệu lượt người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài và khoảng sáu triệu người Việt Nam nhập cảnh về nước theo đường chính thức. Nếu tính cả số người xuất nhập cảnh không chính thức qua biên giới đường bộ (di cư trái phép), số người Việt Nam xuất cảnh hoặc nhập cảnh hằng năm khoảng chín triệu người; trong đó, nổi lên tình hình người Việt Nam di cư ra nước ngoài có liên quan đến hoạt động tội phạm mua bán người như: di cư vì mục đích kinh tế, bao gồm di cư của người Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng có thời hạn và di cư tự túc của người lao động đến các nước láng giềng qua biên giới đường bộ; di cư để du học, trong đó số người du học theo học bổng từ ngân sách Nhà nước chiếm tỷ lệ nhỏ, phần lớn là du học tự túc; di cư với mục đích kết hôn có yếu tố nước ngoài; di cư quốc tế do người nước ngoài nhận con nuôi Việt Nam.
Tại Hội thảo các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng, xu hướng hoạt động tội phạm mua bán người, nhất là thông qua di cư trái phép ra nước ngoài; những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện, nguyên nhân tồn tại…
Các ý kiến đều cho rằng, nguyên nhân khách quan của việc mua bán người thông qua di cư trái phép ra nước ngoài là do siêu lợi nhuận từ loại tội phạm này, xuất phát từ mất cân bằng về giới tính tại một số nước; khó khăn về kinh tế, thiếu việc làm, công nghệ thông tin phát triển và người dân mất cảnh giác. Song, nguyên nhân chủ quan là do một số cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành, nhất là cấp cơ sở nhận thức cũng như trách nhiệm chưa cao, chưa xác định đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này, cho nên chưa quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt.
Về các giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và sự nguy hại của tội phạm mua bán người; tăng cường chỉ đạo phối hợp giữa các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các tổ chức, đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn tình trạng di cư trái phép ra nước ngoài ngay từ cơ sở.
Đối với các tuyến biên giới, địa bàn giáp ranh, lực lượng công an, biên phòng cần phối hợp tổ chức thực hiện tốt phương án bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tổ chức diễn tập phòng, chống tội phạm tại các xã biên giới, đưa nhiệm vụ phòng ngừa đấu tranh tội phạm thành nhiệm vụ thường xuyên.
Nhân dịp Hội thảo bàn giải pháp phòng, chống mua bán người thông qua di cư trái phép ra nước ngoài, TP Sơn La tổ chức triển lãm ảnh có chủ đề: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với công tác phòng, chống mua bán người”. Trong chuỗi hoạt động này và sáng 28-7, tại đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Bộ Công an và tỉnh Sơn La tổ chức mít-tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30-7” năm 2018.
Viết bình luận