Hiện nay tình hình dịch bệnh SXH có xu hướng bùng phát, gia tăng và lan rộng; Trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 1.372 trường hợp mắc SXH, quận Hà Đông có 265 ca mắc và phường Phú Lãm đã có 26 trường hợp mắc bệnh (đứng thứ 2 trên địa bàn quận) và nhiều trường hợp nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết trong đó có 02 trường hợp diễn biến rất nặng.
Trước tình hình đó, ngày 26/7/2019, Đảng ủy phường Phú Lãm đã ban hành Nghị quyết chuyên đề vv lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn phường. Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, UBND phường đã tổ chức hội nghị triển khai sâu rộng tới toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan, Ban chi ủy các Chi bộ; BCH Hội NCT phường; ban chấp hành các tổ chức chính trị đoàn thể từ phường tới các tổ dân phố; các tổ giám sát, đội xung kích, đội nòng cốt phòng chống dịch sốt xuất huyết và các cơ quan, đơn vị, trường học đóng trên địa bàn. Nội dung nhằm thông báo tình hình diễn biễn ngày càng phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn phường; các phòng chống bệnh mà cụ thể là cách diệt bọ gậy, loăng quăng, không có bọ gậy không có sốt xuất huyết; tập trung chỉ đạo và đề nghị sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, phát huy tính chủ động, tích cực của từng cá nhân; đặc biệt nâng cao hiệu quả thực hiện của các cán bộ tổ, đội chuyên môn, cán bộ hội viên các đoàn thể, hội NCT - đây là lực lượng nòng cốt, nhằm trực tiếp tuyên truyền đến nhân dân các tổ dân phố chủ động phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh tiếp tục bùng phát trên địa bàn.
Hiện nay, Qua ghi nhận thực tế tại một số tổ dân phố, công tác vệ sinh môi trường chưa được quan tâm đúng mức, nhiều gia đình vẫn còn chủ quan, chưa tích cực phối hợp với cán bộ y tế, chưa nhận thức đầy đủ về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, cho rằng nhà sạch thì không có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, chỉ cần phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh. Trong khi đó, theo cơ quan y tế, loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết là muỗi “quý tộc”, nó sinh đẻ ở những nơi có nước sạch như bình hoa, cây cảnh, hòn non bộ, lọ hoa trên bàn thờ, các vỏ lon, chai lọ đọng nước, khay nước sau tủ lạnh, bể chứa nước mưa (nếu không thả cá để ăn bọ gậy), các dụng cụ kê chân chạn cho khỏi kiến…
Bên cạnh đó, việc một số gia đình không phối hợp với cơ quan y tế để phun thuốc diệt muỗi, không làm tốt việc vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình, để muỗi sinh sôi phát triển thì không chỉ là mối nguy hiểm về bệnh sốt xuất huyết với thành viên gia đình mình mà còn là mối nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng dân cư.
Chính vì vậy mà việc diệt loăng quăng, bọ gậy không để muỗi sốt xuất huyết có môi trường sinh sôi nảy nở cũng như công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn phường nói chung còn hạn chế, chưa hiệu quả.
Hiện đang là cao điểm mùa dịch, số trường hợp mắc sốt xuất huyết trên địa bàn phường liên tục tăng trong những tuần gần đây, dự báo số ca mắc trong thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh phường Phú Lãm tuyên truyền các nội dung về bệnh sốt xuất huyết, cách nhận biết khi mắc bệnh và các phòng chống bệnh cụ thể như sau:
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virut dengue ( Đanh ) gây ra. Bệnh lây truyền theo đường muỗi đốt, muỗi truyền bệnh là muỗi vằn có đặc điểm sinh sống trong nhà thường ẩn nấp ở các xó tối, ẩm thấp, chứa nhiều đồ đạc, quần áo mặc dở dang, muỗi vằn không đẻ trứng ở cống rãnh và các nguồn nước bẩn mà chỉ đẻ trứng ở dụng cụ chứa nước sạch như bể, chum, vại, xô chậu, các mảnh bát, vỏ dồ hộp, lốp xe, phế thải khi gặp mưa chứa nước đọng. Muỗi nhiễm virut đẻ ra trứng cũng nhiễm vi rút, trứng nở thành bọ gậy phát triển thoát xác thành muỗi đã có sẵn vi rút đốt người gây bệnh ngay. Khi bị bệnh có các biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau nhức hốc mắt, đau mỏi toàn thân có thể có xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đau bụng dữ dội. Các trường hợp nặng có thể tử vong do sốc, chảy máu nội tạng, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, suy gan, suy thận. . .Chi phí điều trị một trường hợp mắc bệnh ước tính từ 3 triệu đến hàng chục triệu đồng. Sau khi hết sốt người bệnh vẫn mệt mỏi kéo dài khoảng 3 tuần gây ảnh hưởng lớn đến công tác và sinh hoạt. Hiện nay chưa có thuốc điều trị cũng như chưa có vacxin tiêm phòng. Để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết có hiệu quả cần thực hiện các biện pháp như sau :
1. Tránh muỗi đốt bằng cách khi ngủ phải nằm màn ( kể cả ban ngày), mặc quần áo dài, xoa kem chống muỗi
2. Diệt muỗi bằng cách dùng vợt lưới điện đánh muỗi, dùng bình xịt muỗi, phun thuốc diệt muỗi:
3. Đặc biệt tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy là biện pháp đơn giản nhưng đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất bởi vì phun thuốc xử lý ổ dịch theo phương pháp xông hơi chỉ diệt muỗi tại thời điểm hiện tại, 2 – 3 ngày sau bọ gậy lại nở thành lứa muỗi mới đốt người gây nên bệnh.Các gia đình cần đổ các xô, chậu, ang, mảnh bát, phế thải, lốp xe, vỏ đồ hộp, vỏ dừa chứa bọ gậy; thả cá vào các bể nước, bể cảnh để cá ăn bọ gậy; các bể nước phải có nắp đậy để ngăn cản muỗi vào bể đẻ trứng, các bể nước có bọ gậy cần phải thau rửa ngay hoặc thả ngay các loại cá để ăn bọ gậy.
Để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh phường đề nghị các cơ quan, đơn vị, trường học đóng trên địa bàn phường, các tổ dân phố và toàn thể nhân dân tổ chức tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết. Đề nghị các hộ gia đình dành thời gian 5 đến 10 phút mỗi ngày để kiểm tra và xử lý các ổ bọ gậy; Khi có các biểu hiện của bệnh cần đến trạm y tế để khám và điều trị kịp thời.
Vì sức khỏe gia đình và cộng đồng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh phường Phú Lãm đề nghị toàn thể nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng thực hiện các biện pháp phòng chống để hạn chế tối đa các trường hợp mắc bệnh, không để dịch Sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn phường./.
Viết bình luận