Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố

Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố đã điều chỉnh cơ bản điều kiện về quy mô số hộ gia đình đối với thôn, tổ dân phố. Thống nhất quy định về quy mô số hộ gia đình đối với thôn, tổ dân phố theo khu vực. Theo đó, TP Hà Nội thuộc khu vực đồng bằng Sông Hồng áp dụng điều kiện quy định đối với thôn thuộc xã có từ 300 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố thuộc phường, thị trấn có từ 350 hộ gia đình trở lên.

Bổ sung điều kiện sáp nhập, giải thể, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố: Đối với trường hợp sáp nhập thôn tổ dân phố được thực hiện bắt buộc đối với những thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 50% điều  kiện tiêu chuẩn, cụ thể đối với thôn dưới 150 hộ gia đình; tổ dân phố dưới 175 hộ gia đình thì bắt buộc phải sáp nhập với thôn, tổ dân phố liền kề.  

Bổ sung về quy trình và hồ sơ sáp nhập, giải thể và đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố trong đó đáng chú ý là đối với việc đổi tên thôn thành tổ dân phố trong trường hợp thành lập phường, thị trấn từ đơn vị hành chính xã sau khi có Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường, thị trấn từ đơn vị hành chính xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển thôn thành tổ dân phố thuộc phường, thị trấn.

Ngoài ra, Thông tư còn quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn bao gồm: Triệu tập và chủ trì hội nghị thôn, tổ dân phố; vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở và hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; tập hợp, phản ánh, đề nghị UBND phường, xã giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng của nhân dân ở thôn, tổ dân phố; báo cáo kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật ở thôn, tổ dân phố; lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và quyết định trực tiếp những công việc của thôn, tổ dân phố; lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và biểu quyết những công việc thuộc phạm vi cấp xã, báo cáo kết quả cho UBND phường, xã; phối hợp Ban công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố để vận động nhân dân tham gia thực hiện các phong trào và cuộc vận động do các tổ chức này phát động. Về quyền hạn: Được ký hợp đồng về xây dựng công trình do nhân dân trong thôn, tổ dân phố đóng góp kinh phí đầu tư; phân công nhiệm vụ cho phó trưởng thôn, tổ phó tổ dân phố; được UBND phường, xã mời họp và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến quản lý, hoạt động của thôn, tổ dân phố; được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. 

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/01/2019, bãi bỏ Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố; bãi bỏ điểm a, khoản 2, Điều 14; điểm c, đ, khoản 1, Điều 8; điểm b, d, khoản 1, Điều 9 của Thông tư số 04/2012/TT-BNV.

Xem chi tiết tại đây

Thực hiện: 

Bộ phận VHTT phường

Viết bình luận

Xem thêm tin tức