Thủ tướng yêu cầu không để "dịch chồng dịch"

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp, chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người.

Theo công bố của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, trong đầu năm 2020 đã phát hiện 1 ổ dịch cúm A (H5N1) gia cầm tại tỉnh Hồ Nam. Tại Việt Nam, kết quả giám sát chủ động ngành Thú y cho thấy vi rút cúm A (H5N1) đang lưu hành trên đàn gia cầm và không có sự biến đổi về độc lực gây bệnh.

Tuy nhiên, do các điều kiện như thời tiết biến đổi bất lợi, tổng đàn vật nuôi lớn, việc lưu thông động vật, sản phẩm động vật và con người gia tăng nên nguy cơ dịch bệnh phát sinh trong thời gian tới là rất cao.

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm A (H5N1) bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người, không để xảy ra hiện tượng dịch chồng dịch trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) trên người đang xảy ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh do nCoV gây ra; khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm theo đúng nội dung tại Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025", ngăn chặn không cho dịch cúm gia cầm vào Việt Nam.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nội dung của Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong việc chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam tổ chức phòng, chống dịch cúm gia cầm trên động vật có hiệu quả; bố trí các nguồn lực, kinh phí để tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành vi rút cúm A (H5N1) và các loại cúm gia cầm khác trên các đàn gia cầm, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; thông báo kịp thời cho Bộ Y tế để phối hợp triển khai các hoạt động phòng chống dịch lây lan sang người; chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch nhằm hạn chế tới mức thấp nhất việc gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch lưu thông trên thị trường.

3. Bộ Công Thương có trách nhiệm: Tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.

4. Bộ Y tế có trách nhiệm: Chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A (H5N1) và các loại cúm gia cầm khác trên người, chủ động giám sát tại cộng đồng; phát hiện sớm trường hợp mắc trên người, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân; bảo đảm đủ cơ số trang thiết bị y tế, thuốc và hóa chất thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến; khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người.

5. Bộ Công an có trách nhiệm: Thực hiện điều tra ngăn chặn và thực hiện bắt giữ, xử lý nghiêm khắc các đối tượng buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

6. Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng có trách nhiệm: Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.  

7. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm: Chỉ đạo hệ thống thông tin báo chí Trung ương và địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, các yếu tố nguy cơ, các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế.

8. Bộ Tài chính có trách nhiệm: Bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch cúm gia cầm theo đề xuất của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh, thành phố để các hoạt động phòng chống dịch được triển khai có hiệu quả; kinh phí để tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các nội dung Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ.

9. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và địa phương tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam.

10. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện một số nội dung sau:

- Ngành Nông nghiệp tổ chức tốt việc giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh trên gia cầm và thông báo kịp thời cho ngành Y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm. Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm. Đối với các tỉnh có cửa khẩu quốc tế, đường biên giới thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch động vật tại các cửa khẩu, không để vận chuyển, buôn bán gia cầm qua các cửa khẩu và nhập lậu qua đường biên giới.

Khẩn trương thực hiện việc kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, nhất là tại cơ sở theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20-5-2019; Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18-6-2019 của Chính phủ; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20-2-2019 để bảo đảm lực lượng tổ chức phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.

- Ngành Y tế chủ động triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

- Các ban, ngành và các lực lượng liên quan của địa phương giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.

- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, bảo đảm vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh và các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm.

- Bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch cúm A (H5N1) trên các đàn gia cầm và ở người; bảo đảm kinh phí để tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các nội dung Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát, đánh giá sự sẵn sàng phòng chống dịch và chỉ đạo việc thực hiện phòng chống dịch cúm gia cầm.

Đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao để chủ động phòng chống hiệu quả dịch bệnh cúm trên các đàn gia cầm và ở người.

Thực hiện: 

BP VHTT phường

Nguồn: 

Cổng Giao tiếp điện tử TP Hà Nội

Viết bình luận

Xem thêm tin tức