Tuyên truyền sâu rộng chống dịch tả lợn châu Phi

Công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt.

Để giúp công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả hơn nữa, Bộ NN-PTNT đang tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, người chăn nuôi, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan để “chung tay” chống dịch.

10-29-35_dscf8974
Đẩy mạnh tuyên truyền “chung tay” phòng chống DTLCP

Tính đến ngày 03/03/2019, bệnh DTLCP xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Để ngăn chặn dịch tiếp tục lây lan, ngoài các biện pháp cấp bách đang thực hiện, Bộ NN-PTNT đã tiến hành thông tin, tuyên truyền sâu rộng để mọi người chăn nuôi, người tham gia buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn và cả xã hội cùng vào cuộc.

Thường xuyên cung cấp thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho các cơ quan truyền thông tưa tin theo tinh thần vừa bảo đảm chống được dịch bệnh, vừa bảo đảm bảo vệ, phát triển chăn nuôi, tránh để người dân và cộng đồng hoang mang. Hướng dẫn, cung cấp tài liệu kỹ thuật các cơ quan chuyên môn thú y địa phương, người chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi lợn và các cơ quan truyền thông về phòng, chống bệnh DTLCP, bao gồm các tài liệu về nhận biết triệu chứng, bệnh tích của bệnh; lấy mẫu giám sát dịch bệnh gửi 9 phòng thử nghiệm để xét nghiệm.

Đặc biệt là đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, buôn bán thực hiện nghiêm túc “5 không” theo quy định của Luật thú y (các Điều 13, 25 và 27); phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và không thực hiện các biện pháp chống dịch dẫn đến dịch bệnh lây lan. Tuyên truyền khuyến cáo thông tin: bệnh không lây sang người nên người tiêu dùng không nên quay lưng với các sản phẩm thịt lợn an toàn và đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng đề nghị các tổ chức quốc tế (FAO, OIE…) và một số nước hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP và các loại dịch bệnh động vật khác. Đề nghị doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, chung sức với ngành nông nghiệp để tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Trong thời gian vừa qua, các tổ chức trong và ngoài nước đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho công tác phòng, chống bệnh DTLCP, cụ thể: Các tổ chức quốc tế (như FAO, OIE, USDA...) và các doanh nghiệp (như Công ty CP Việt Nam, Công ty GreenFeed Việt Nam, Công ty Navetco...) đã hỗ trợ kinh phí, hóa chất, chuyên gia kỹ thuật để tổ chức đào tạo, tập huấn, các hội thảo, hội nghị; cung cấp các trang thiết bị, nguyên vật liệu chẩn đoán xét nghiệm, hóa chất sát trùng, trang bị bảo hộ cá nhân... đã và đang được sử dụng có hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu tất cả các địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP theo Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã có các nội dung chỉ đạo rất chi tiết, cụ thể. Đồng thời hướng dẫn các địa phương tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch, kịch bản cụ thể theo “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP” được ban hành kèm theo Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15/11/2018; Công điện số 1237/CĐ-BNN-TY ngày 22/02/2019 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

Cách nhận biết triệu chứng và bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả lợn Châu Phi (Thông tin từ Cục Thú y), chi tiết xem Tại đây

Thực hiện: 

BP VHTT phường

Nguồn: 

https://nongnghiep.vn

Viết bình luận

Xem thêm tin tức