Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử được thực hiện như thế nào ?

​Do tính chất và đặc điểm về thời gian tổ chức bầu cử, nên việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong bầu cử không thực hiện theo các quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong bầu cử chủ yếu nhằm mục đích bảo đảm cho các bước, các công đoạn trong quá trình tổ chức bầu cử được tiến hành đúng quy định của pháp luật; việc xem xét, xác định trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tổ chức có vi phạm vẫn thực hiện theo các quy định khác có liên quan của pháp luật (ví dụ như pháp luật về cán bộ, công chức, pháp luật về thanh tra, về khiếu nại, tố cáo, về hình sự….)

Điều 55 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định về việc xác minh, trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phát sinh trong quá trình giới thiệu, hiệp thương, lựa chọn người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Điều luật này đã nêu rõ trách nhiệm và thời hạn xác minh, trả lời đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Kết quả xác minh, trả lời về các vụ việc nói trên là cơ sở để Hội nghị hiệp thương lần thứ ba xem xét, quyết định danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình.

Điều 61 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định chung về khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử. Theo đó, công dân có quyền tố cáo về người ứng cử, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử không phân biệt về thời điểm thực hiện việc khiếu nại, tố cáo. Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân là các cơ quan chịu trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình.

Như vậy, các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đều phải được Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử tương ứng tiếp nhận, ghi vào sổ, chuyển đến các cơ quan, tổ chức hữu quan để thực hiện việc xác minh, trả lời làm cơ sở cho việc giải quyết của các cơ quan phụ trách bầu cử theo thẩm quyền.

Đối với các vụ việc cử tri nêu lên về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian tiến hành hiệp thương thì việc xác minh và trả lời được thực hiện theo quy định tại Điều 55 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Kết quả xác minh, trả lời được gửi cho Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương để làm cơ sở cho Hội nghị hiệp thương lần thứ ba xem xét, quyết định danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình.

Các tố cáo về người ứng cử từ sau khi kết thúc Hội nghị hiệp thương lần thứ ba hoặc việc xử lý kết quả xác minh những vụ việc cử tri nêu mà chưa được trả lời theo thời hạn quy định tại khoản 4 Điều 55 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đều thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử theo quy định tại Điều 61 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân 10 ngày trước ngày bầu cử. Các khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết được chuyển đến Thường trực Hội đồng nhân khóa mới để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Về nguyên tắc, các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về tư cách của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, liên quan đến việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các thông tin trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban bầu cử nơi đã lập và công bố danh sách này. Khi tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị thuộc loại nói trên, Ban bầu cử phải chuyển ngay cho Ủy ban bầu cử để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền (điểm e khoản 2 Điều 24 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân). Căn cứ vào kết quả xác minh, trả lời của các cơ quan hữu quan, Ủy ban bầu cử có thể quyết định xóa tên người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong danh sách chính thức những người ứng cử hoặc thực hiện việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các nội dung cần thiết trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Quyết định của Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng.

Ban bầu cử chỉ giải quyết những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị mang tính kỹ thuật liên quan đến việc công bố, niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử (ví dụ như về thời điểm niêm yết, vị trí, cách thức niêm yết danh sách, các sai sót in ấn trong danh sách đã niêm yết….). Trong trường hợp công dân không đồng ý với giải quyết của Ban bầu cử thì Ủy ban bầu cử cấp tương ứng giải quyết; trình tự giải quyết được căn cứ vào nội dung vụ việc khiếu nại hay tố cáo.

Các tố cáo liên quan đến sai phạm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương, đến thành viên của Ủy ban bầu cử, đến các Ban bầu cử, Tổ bầu cử đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử chỉ xem xét, quyết định về các nội dung liên quan trực tiếp đến việc tổ chức bầu cử; việc xem xét, xác định trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tổ chức có vi phạm được thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

Nguồn: 

Cổng Thông tin điện tử Quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức