Nêu cao trách nhiệm của chính quyền cấp quận, huyện trong quản lý nhà chung cư

Sáng 6/7, kỳ họp thứ Sáu, HĐND TP Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Tại phiên chất vấn này, đồng chí Vũ Ngọc Phụng, PBT Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hà Đông đã trả lời câu hỏi của đại biểu HĐND TP nêu về việc cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền cấp quận, huyện trong quản lý nhà chung cư.


 Đ/c Vũ Ngọc Phụng, Chủ tịch UBND quận Hà Đông trả lời tại phiên chất vấn.

 

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (huyện Sóc Sơn) chất vấn: hiện tại, nhiều chung cư thương mại xảy ra mâu thuẫn giữa Ban quản trị tòa nhà với cư dân, ví dụ như tại Toà nhà Victoria ở quận Hà Đông. Đề nghị Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết trách nhiệm của quận trong việc kiểm tra, giám sát vấn đề này như thế nào?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng cho biết, trên địa bàn quận hiện có 70 tòa nhà chung cư và cụm chung cư đi vào hoạt động, trong đó, đã thành lập 59 ban quản trị, đạt tỷ lệ 67,2%. Số chung cư còn lại thuộc hai trường hợp, hoặc đủ điều kiện thành lập ban quản trị nhưng chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư hoặc số căn hộ chưa đủ 50% nên chưa đủ điều kiện thành lập. Trong quá trình quản lý vận hành các chung cư này cũng đã xảy ra nhiều vướng mắc, mâu thuẫn giữa ban quản trị, chủ đầu tư, người dân về các diện tích sở hữu chung riêng, kinh phí bảo trì 2%, tài chính không minh bạch, năng lực ban quản trị không bảo đảm... Trước tình hình đó, quận thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban chức năng kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản trị tòa nhà. Riêng toà Victoria đã thành lập ban quản trị, chủ đầu tư đã chuyển 100% phí bảo trì. Tuy nhiên, cư dân có đơn thư ý kiến kiến nghị, tập hợp hơn 775 chữ ký yêu cầu "phế truất" ban quản trị cũ do hoạt động không minh bạch, yêu cầu thành lập ban quản trị mới. Quận Hà Đông đã chỉ đạo phường Phú La có 5 cuộc làm việc với ban quản trị, cư dân tòa nhà để giải quyết các vướng mắc này. Dự kiến, trong tháng 7, quận sẽ chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến tín nhiệm ban quản trị mới của tòa nhà.

Theo báo cáo của UBND TP, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 697 (cụm, tòa) nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng (trong đó: Tính đến năm 2017 là 688 nhà chung cư và 06 tháng đầu năm 2018 có thêm 09 nhà chung cư), trong đó: Trước khi có Luật Nhà ở là 137 nhà chung cư, từ khi có Luật Nhà ở là 560 nhà chung cư (việc phân loại này là cơ sở để lựa chọn áp dụng quy định của pháp luật trong đánh giá, xác định nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra giải pháp giải quyết vướng mắc, tồn tại phù hợp). Trong đó, 454/697 nhà chung cư đã thành lập Ban quản trị.

Có 6 tồn tại hạn chế trong quản lý nhà chung cư hiện nay là: Việc tổ chức hội nghị nhà chung cư là thủ tục đầu tiên để triển khai các thủ tục quản lý vận hành nhà theo nguyên tắc công khai, dân chủ, nhưng việc triển khai thực hiện còn chậm và kết quả còn hạn chế; Việc bàn giao hồ sơ nhà chung cư còn chậm, chưa đầy đủ gây khó khăn trong công tác quản lý; Một số chủ đầu tư chậm bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2% dẫn đến ban quản trị nhà chung cư không đủ điều kiện hoạt động, nhiều trường hợp tranh chấp giữa chủ đầu tư và ban quản trị; Còn tồn tại những bất cập trong công tác PCCC; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vận hành nhà chung cư còn thiếu sự đồng bộ; một số quy định còn thiếu, chưa cụ thể…

Trong thời gian tới, UBND TP đưa ra một số giải pháp để chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư như: Tạo các điều kiện cho cư dân tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị (phải hoàn thành trong quý III/2018); Thực hiện nghiêm túc việc bàn giao hồ sơ nhà chung cư, bàn giao kinh phí bảo trì, công tác quản lý vận hành, xác định và bàn giao diện tích sở hữu chung; Chấn chỉnh công tác đảm bảo PCCC; Kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà chung cư./.

Thực hiện: 

Trích dẫn nguồn từ Cổng Thông tin điện tử quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức