Thực hiện ”Năm kỷ cương hành chính - 2013”: Một số đơn vị vào cuộc chưa quyết liệt

Liên tục trong hơn 2 tháng qua, đoàn kiểm tra công vụ của TP Hà Nội đã kiểm tra đột xuất tại 30 sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường về tình hình thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND về thực hiện "Năm kỷ cương hành chính - 2013". Kết quả cho thấy các đơn vị đều đã tổ chức quán triệt Chỉ thị 01/CT-UBND, song việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa, một cửa liên thông" còn nhiều thiếu sót.

Cơ sở vật chất thiếu

Đến thời điểm này, cơ bản các đơn vị đã quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND, xây dựng chỉ thị, kế hoạch thực hiện "Năm kỷ cương hành chính - 2013". Nhiều đơn vị đã tổ chức thanh tra, kiểm tra công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Việc triển khai Chỉ thị số 01/CT-UBND đã có tác dụng nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với CBCCVC, nhất là ở những bộ phận có giao dịch với tổ chức, công dân. Một số đơn vị đã kiểm điểm và xử lý trách nhiệm CBCCVC có sai phạm trong thực thi công vụ. Tuy nhiên, ở nhiều đơn vị, điều kiện cơ sở vật chất của bộ phận "một cửa" không đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ công dân. Phổ biến nhất là tình trạng không niêm yết công khai đủ số TTHC phải công khai theo quy định. Phường Xuân La (quận Tây Hồ) mới niêm yết 90/148 TTHC cấp xã được UBND TP công bố; UBND thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) mới công khai 35/148 TTHC. Một số đơn vị không thực hiện đầy đủ số TTHC phải giải quyết theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Phường Mộ Lao (quận Hà Đông) mới đưa ra giải quyết tại bộ phận "một cửa" 117 TTHC/119 TTHC; huyện Hoài Đức mới đưa ra bộ phận "một cửa" 218/247 TTHC thuộc thẩm quyền. Riêng Ban Dân tộc TP và Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng vẫn chưa thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế "một cửa".

 

Bộ phận “một cửa” của UBND quận Hà Đông là một trong những đơn vị được trang bị cơ sở vật chất tốt. Ảnh: Bá Hoạt

Về việc bố trí cơ sở vật chất, chỉ có một số đơn vị làm tốt là: Sở TN-MT, UBND các quận Long Biên, Hà Đông; UBND các phường Giáp Bát, Tân Mai (quận Hoàng Mai)… Còn hầu hết đơn vị có thiếu sót. UBND xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) chưa có ghế ngồi cho công dân. UBND xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh) không có bàn để công dân viết, thiếu máy tính cho công chức. UBND phường Láng Hạ (quận Đống Đa) chưa trang bị đủ máy vi tính cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Ngay cả các đơn vị như phường Xuân La (quận Tây Hồ) và cấp huyện như Sóc Sơn, Đông Anh… đã trang bị màn hình cảm ứng tra cứu TTHC và máy lấy số thứ tự xếp hàng nhưng tại thời điểm kiểm tra thì máy nào cũng hỏng, không hoạt động.

 Cách làm… yếu

Phổ biến tại các đơn vị là việc ghi chép sổ sách không đầy đủ, thiếu dấu giáp lai, nhất là hồ sơ lĩnh vực tư pháp và TN-MT. Đáng chú ý là tại những đơn vị ghi sổ sách không cẩn thận, đoàn kiểm tra cũng thường phát hiện việc giải quyết hồ sơ không đúng quy định. Tại phường Thành Công (quận Ba Đình), sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký kết hôn còn bỏ trống một số trang; không có đủ chữ ký của cán bộ thực hiện; việc sửa chữa nội dung ghi chép chưa được đóng dấu. Kiểm tra xác suất một số hồ sơ, đoàn phát hiện việc cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với cấp mới khai sinh còn chậm, chưa quan tâm giải quyết đề nghị của một công dân về việc chậm cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với cháu mới khai sinh có nhu cầu khám chữa bệnh. Việc giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (QSD) đất đối với một công dân ở phố La Thành chậm 3 tháng; với một công dân ở phố Láng Hạ chậm 4 tháng so với thời gian quy định và đến nay vẫn chưa có kết quả. Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận, trách nhiệm chậm giải quyết thuộc các cơ quan chuyên môn của UBND quận Ba Đình. Việc ghi chép sổ sách tư pháp - hộ tịch; địa chính - nhà đất tại UBND xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh) cũng chưa đúng quy định (sổ nhật ký tiếp nhận hồ sơ không đúng mẫu, thiếu ngày trả hồ sơ, bỏ trống một số trang, sửa chữa nội dung còn dùng bút xóa và không đóng dấu). Kiểm tra 2 hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSD đất thì đều có sai sót: Một hồ sơ có biên bản kiểm tra hiện trạng và phiếu lấy ý kiến dân cư về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất có đủ chữ ký của người dân tham gia nhưng không có nội dung (ký khống) và không có chữ ký của cán bộ, dấu của UBND phường; một hồ sơ chưa lập biên bản xét duyệt theo mẫu, chưa bảo đảm thời gian công khai kết quả xét duyệt theo quy định (thiếu 5 ngày). Tại UBND phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai), đoàn kiểm tra nhận thấy việc giải quyết TTHC cấp giấy chứng nhận QSD đất tại đơn vị chưa cao. Trong năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013 mới cấp được 4 giấy chứng nhận QSD đất; việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ còn chậm so với thời gian quy định. Một trong những nguyên nhân là Hội đồng xét duyệt phường chỉ xét duyệt hồ sơ theo đợt nên không bảo đảm đúng thời hạn giải quyết và việc hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ chưa thực sự đầy đủ, chi tiết. Việc giải quyết hồ sơ chậm so với quy định cũng còn tồn tại ở UBND phường Phú Lương (quận Hà Đông), thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai), UBND huyện Thường Tín, UBND huyện Sóc Sơn… Cá biệt, cán bộ của Văn phòng Đăng ký QSD đất ở huyện Hoài Đức còn yêu cầu nộp bổ sung hồ sơ không có trong quy định.

Đã qua gần nửa "Năm kỷ cương hành chính - 2013" và từ kết quả kiểm tra đột xuất công vụ có thể thấy, các đơn vị đã nhận thức đúng đắn về Chỉ thị 01/CT-UBND nhưng chưa quyết liệt trong thực hiện. Đây là điều cần sớm khắc phục để đạt được mục tiêu tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức./.

Nguồn: 

Hanoimoi online

Xem thêm tin tức