GIỚI THIỆU VỀ LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG KHU DÂN CƯ QUANG LÃM (Thuộc Tổ dân phố 4 + 5, phường Phú Lãm)

GIỚI THIỆU VỀ LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG KHU DÂN CƯ QUANG LÃM

(Thuộc Tổ dân phố 4 + 5, phường Phú Lãm)

Đình làng Quang Lãm thờ Đức Thành Hoàng làng Triệu Lã Đại vương (tên húy là Triệu Lã Suy Huệ - bà là Cảo Nương Công chúa – con gái của Vua Triệu Việt Vương).

            Lễ hội Quang Lãm diễn ra vào ngày mồng 10 và 11 tháng Giêng âm lịch, tại Đình và Quán Quang Lãm, khu dân cư Quang Lãm thuộc Tổ dân phố 4 và 5, phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội.

          Năm 2005, Tổ chức đại đám lần đầu tiên (có tổ chức rước Thành Hoàng từ Đình làng ra Quán). Theo đó thể theo nguyện vọng của nhân dân cứ 5 năm vào những năm chẵn lại tổ chức Đại lễ; các năm còn lại tổ chức lễ hội thường niên.

            Tham gia Lễ hội là toàn thể dân làng khu dân cư Quang Lãm (2 tổ dân phố 4 và 5); các gia đình đều tham gia vào lễ hội cùng khách thập phương. Đặc biệt là vai trò của các cụ trong Chi hội Người cao tuổi và các Hội đồng niên trong tổ dân phố thực hiện các phần việc theo sự phân công của Ban tổ chức lễ hội. Cụ thể số lượng người tham gia Lễ hội khi tổ chức đại đám khoảng trên 200 người.

          Vào ngày hội, những người tham gia dâng lễ vào trong cung, những người tham gia tổ tế  trước ngày dâng lễ đều phải tẩy uế bằng nước gừng. Đối với những người tham gia là Chủ tế: yêu cầu phải chọn người am hiểu về lễ nghi, có uy tín trong dân và có gia thế song toàn. 2 ông rượu trong là hai quan viên phụ trách hai cửa cung, trông nom không cho ai vào cung khi tế để ý đèn, nhang … phải đeo khẩu trang (màu đỏ) để tránh hơi thở phạm đến Ngài.

          Lễ vật dâng lên là lễ chay, tuyệt đối không dâng lễ mặn, chuối lễ thánh chỉ có chuối tiêu, hoa lễ trong cung chỉ có hoa huệ, hoa lễ ở ngoài có thể là hoa hồng, hoa cúc; khi làm lễ Thánh không được đọc to tên húy của nhà Thánh; chiếu dải lễ hàng ngày là 1 chiếu ngang, chiếu dải lễ trong ngày tế là 3 chiếu dải ngang chiếu trên dải 1 chiếu dọc (là chiếu tế, chiếu giữa dải ngang là để ẩm phước, chiếu dải dưới là chiếu bình thần).

          Quân kiệu Bát công chọn các nữ thanh tú, chưa chồng, khỏe mạnh, cao đều nhau. Người đánh trống sang canh, trống mục dục cử cụ nhiều tuổi, có sức khỏe, gia thế song toàn.

* Mô tả ngắn gọn các nghi lễ chính trong lễ hội:

Phần lễ: Do các cụ trong Ban hành lễ (Tổ tế các cụ ông) chịu trách nhiệm.

          Phần hội: Do các chi hội đoàn thể (đặc biệt là Chi đoàn thanh niên, Phụ nữ) trong khu dân cư chịu trách nhiệm.

Mô tả chi tiết (Nghi thức tổ chức đại đám có rước):

          * Ngày mồng 10 tháng giêng:

- Buổi sáng:

+ Từ 8h Cụ Từ làm lễ khai hội, sau đó tiến hành lễ phong y nhà Thánh do những người có kinh nghiệm, biết việc, gia đình không có tang bụi trực tiếp đảm trách.

+ Triển khai bày đồ nhà Thánh ra sân Đình với 3 món đồ: đồ vải (tán, long, cờ), đồ gỗ (lộ bộ gồm 12 binh khí bày sang 2 bên, bát tiên bát bửu), đồ đồng ( bộ binh khí). Việc triển khai bày đồ do ông điều hành chung sắp xếp, chỉ dẫn theo quy định

- Buổi chiều: Tiếp tục bày đồ, chỉnh trang xung quanh khu vực hành lễ.

- Buổi tối: Mời toàn dân ra Đình làm lễ Thánh. Đúng 0 giờ ngày 11 tháng giêng tiến hành lễ mộc dục.

Quy định: Từ sáng mồng 10 khi làm lễ thánh đến 0 giờ ngày 11: Cấm kỵ không được đánh chiêng, trống và các loại nhạc cụ khác (cấm kích cổ). Sau giờ mộc dục thì chiêng trống, trồng dờn, bát âm được cử hành. Thực hiện theo tuần tự như sau:

+ Chuông trong cung đánh trước, trống cái đánh theo, chiêng đánh theo, đánh 3 hồi, mỗi hồi 120 tiếng sau đó trống dờn cử hành 3 hồi gọi là tam tướng.

+ Bát âm có bài riêng.

* Ngày 11 tháng giêng:

- Buổi sáng: Làm lễ Thánh gọi là lễ phụng nghênh.

+ Quan viên tại thời.

+ Chuyển kiệu Bát cống vào giữa sân Đình; trong Đình chuyển hương án, bàn đặt lễ để lấy lối đi. Những người chuyển Long ngai sẵn sàng vào vị trí.

+ Tất cả phải chú ý nghe hiệu lệnh của trống khẩu (gọi là tiểu cổ). Trống khẩu đánh vào tang trống “cách, cách, cách” nhịp đều thì đồng loạt khiêng lên.

+ Di chuyển Long ngai từ trong cung ra kiệu đều phải có cờ quạt che kín. Trống khẩu đánh vào tang trống từng tiếng một, đều, chậm dãi thì chuyển Long ngai lên kiệu Bát cống. Ổn định Long ngai trên kiệu phải chú ý chằng hai dây lụa vào kiệu, chỉnh sửa cho ngay ngắn, chắc chắn (kể cả mũ, áo nhà Thánh) lúc này vẫn che kín kiệu.

+ Khi mọi người đã vào vị trí ổn định, người điều hành kiểm tra nhanh đọi hình rước đã được sắp xếp theo thứ tự.

Chú ý:

+ Kiệu Bát cống và kiệu Hoa đều có 2 quạt vả che hai bên và 1 tàn đi che đằng sau kiệu.

+ Hiệu lệnh trống khẩu đánh vào tang trống một hồi, tất cả quân kiệu phải chú ý.

+ Hiệu lệnh trống khẩu đánh vào tang trống 3 tiếng “Cách, cách, cách”, đồng loạt nhất tề cất kiệu lên vai, chỉnh đối ngay ngắn chuẩn bị khởi hành.

+ Trống dờn, bát âm cử hành chờ hiệu lệnh.

+ Trống khẩu đánh một hồi “Tong, tong, tong”.

+ Trống cái, chiêng, bát âm, trồng dờn, tù và, đoàn rước bắt đầu đi.

+ Quân kiệu đi phải nghe hiệu lệnh của trống khẩu.

+ Trống khẩu đánh “tong, tong” 2 tiếng thì quân kiệu bước lên một bước

+ Trống khẩu đánh “tong” 1 tiếng thì quân kiệu đứng chờ (nhịp này gọi là đi dẫn rượu).

+ Trên đường đi quân kiệu đổi vai cũng phải có hiệu lệnh của trống khẩu, nếu cần thiết có thể đổi quân dự bị.

+ Khi trống khẩu đánh “rụng, rụng” 2 tiếng đó là hiệu lệnh cho quân kiệu chuẩn bị quay.

+ Trống khẩu đánh một hồi “Tong, tong, tong” nhanh, kiệu bắt đầu quay, trống khẩu vừa đánh vừa chạy theo. Quay kiệu phải quay về phía bên tay phải (theo chiều kim đồng hồ). Có 3 lần quay kiệu.

(Quân kiệu đều phải được tập luyện trước khi tham gia rước).

- Khi rước Thánh ra đến Quán, tiến hành làm lễ yên vị, đón quan anh, sau đó tiến hành tế. Đội hình tế xếp từ trong ra ngoài gồm có: 2 ông rượu trong (có bịt khẩu trang màu đỏ), tiếp đó là ông Chủ tế, 4 ông bồi tế, 2 ông Đông Xướng và Tây Xướng, cuối là 8 ông chấp kích chấp đăng. Tế xong có ông Thống đọc văn, sau đó hóa văn.

- Buổi chiều:

+ 14 giờ làm lễ dâng hương do Tổ dâng hương các cụ bà đảm trách.

+ Ông Thống đọc văn – hóa văn.

+ 16h làm lễ phụng nghênh rước Thành về Đình, trên đường rước ra khỏi Quán có làm lễ Yến.

+ Về đến Đình, quay kiệu, rước Thánh vào cung và làm lễ tế yên thần vị.

Sau ngày hội, Ban tổ chức lễ hội, hai giới các cụ và toàn thể dân làng ra Đình làm lễ tế giã, hóa vàng và rút kinh nghiệm.

* Lễ vật, đồ cúng phục vụ Lễ hội:

- Đồ thờ gồm: Đồ gỗ (1 long ngai bài vị, 10 hoành phi, 3 câu đối, 5 mâm bồng, 1 giá văn, 2 hương án, 6 đài rượu, 4 cây nến, 2 cửa võng; đồ đồng (2 cây nến, 1 đỉnh); đồ gốm sứ (2 nậm rượu, 3 bát hương thời Lê, 2 bát hương thời Nguyễn, 4 lọ hoa).

          - Lễ vật là lễ chay, hương hoa, trầu, rượu, chuối tiêu chín, các loại bánh. Đặc biệt riêng lễ vật dâng lễ Yến trên đường rước từ Quán về Đình gồm 12 loại bánh khác nhau.

- Trang phục: Trang phục của Tổ tế (2 ông rượu trong mặc quần trắng, áo dài, đội khăn xếp, thắt đai đỏ, bịt khẩu trang màu đỏ; ông Chủ tế trang phục áo dài gấm màu xanh có bối tử trước ngực áo, đội mũ cánh chuồn, đi hia xanh; 4 ông bồi tế cũng mặc áo dài gấm xanh có bối tử trước ngực áo nhưng áo may gọn hơn; 2 ông Đông xướng, Tây xướng và các ông chấp kích, chấp đăng mặc giống nhau – áo dài gấm màu xanh nhưng không có bối tử trước ngực áo). Trang phục của quân kiệu Bát cống là áo dài trắng, quần trắng, giầy ba ta trắng, dây lưng màu đỏ bằng lụa.

          - Nhạc cụ trong việc lễ đình gồm có trống cái, trống khẩu dùng để điều hành, giữ nhịp cho người hành lễ, chiêng, tù và, hội trống dờn tạo không khí, hội bát âm. Nhạc nhã được sử dụng chính là nhạc cung đình./.

Thực hiện: 

Bộ phận VHTT phường

Viết bình luận

Xem thêm tin tức