GIỚI THIỆU VỀ LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG KHU DÂN CƯ THANH LÃM
(Thuộc Tổ dân phố 1 + 2, phường Phú Lãm)
- Ở Đình Thanh Lãm thờ 2 vị anh hùng Thành Hoàng làng thời Bà Trưng là Đinh Cống và Đinh Lượng đã được sắc phong là thượng đẳng thần, hộ quốc bảo dân, hùng tài chính trực.
- Ở Đền Thanh Lãm thời bà Phùng Thị Chính (vợ ông Đinh Lượng) là nội tướng quân của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Bà được truy phong “Đại khánh tiết anh linh công chúa” sắc phong Thượng đẳng thần.
Lễ hội Thanh Lãm diễn ra vào ngày mồng 7, 8 và 9 tháng Giêng âm lịch, tại Đình và Đền Thanh Lãm, khu dân cư Thanh Lãm thuộc Tổ dân phố 1 và 2 phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội.
Năm 1998: Tổ chức đại đám lần đầu tiên (có tổ chức rước Thành Hoàng từ Đình làng ra Đền). Theo đó thể theo nguyện vọng của nhân dân và tùy vào tình hình thực tế tại địa phương để tổ chức Đại đám. Đến nay đã tổ chức được 3 lần đại đám vào các năm:1998, 2003 và 2011. Duy trì những năm tiếp theo sẽ tổ chức đại đám 5 năm một lần, các năm còn lại tổ chức lễ hội thường niên.
Tham gia Lễ hội là toàn thể dân làng khu dân cư Thanh Lãm (2 tổ dân phố 1 và 2); các gia đình đều tham gia vào lễ hội cùng khách thập phương. Đặc biệt là vai trò của các cụ trong Chi hội Người cao tuổi và các Hội đồng niên trong tổ dân phố thực hiện các phần việc theo sự phân công của Ban tổ chức lễ hội.
- Trước khi vào lễ, cụ từ phải rửa tay bằng rượu gừng để tẩy trần. Vào ngày hội, những người tham gia dâng lễ vào trong cung, những người tham gia đội tế đều phải tắm bằng nước gừng, gia đình không có tang bụi, riêng những được giao nhiệm vụ dâng lễ lên Thánh phải đeo khẩu trang (màu đỏ) để tránh hơi thở phạm đến Ngài.
- Quy định ông chủ tế, cụ từ (cụ mệnh bái) trong năm đó phải thanh tịnh, không được tham gia các đám tang, nếu gia đình có tang thì phải báo cáo với Tổ quản lý để cắt cử người khác.
- Việc tế lễ trong ngày hội chỉ do tổ tế các cụ ông trực tiếp đảm nhận, không tổ chức lễ dâng hương của các cụ bà, nếu có thì tổ chức ở Chùa.
- Quy định từ ngày khai hạ đến ngày giã đám, nếu gia đình nhà nào có người chết thì cấm không được đưa tang đi qua Đình, nếu tổ chức đưa thì phải đi vòng và không được kèn trống.
* Mô tả ngắn gọn các nghi lễ chính trong lễ hội:
Phần lễ: Do các cụ trong Ban hành lễ chịu trách nhiệm.
Phần hội: Do các chi hội đoàn thể (đặc biệt là Chi đoàn thanh niên, Phụ nữ) trong khu dân cư chịu trách nhiệm.
Mô tả chi tiết (Nghi thức tổ chức đại đám có rước):
* Ngày mồng 7 tháng giêng:
Buổi sáng:
- Từ 5h-7h thông qua danh sách các cụ trình trầu vào Đình (Quy định: theo lệ làng các ông từ 50 tuổi tự nguyện làm lễ trình trầu lên lão vào Đình, theo thứ tự danh sách, ai vào trước đứng trước, ai vào sau đứng sau để làm căn cứ xét thứ bậc các cụ. Nếu vì lý do công tác xa không thể làm lễ có thể cử con cháu làm lễ đại diện. Các cụ còn đang tham gia công tác xã hội nếu báo cáo sẽ được xét miễn các công việc của địa phương cho đến khi nghỉ hưu.
- Từ 7h làm lễ khai hạ, sau đó tổ chức nghi thức trồng đèn của các cụ theo danh sách đã làm lễ trình trầu (mỗi cụ 1 cây đèn), trồng dọc tuyến đường Thanh Lãm, khu vực tổ chức Hội. Tiếp đó là nghi thức trồng kiệu: tổ chức dàn kiệu, triển khai bày đồ nhà Thánh ra sân Đình.
Lệ làng quy định tuyệt đối không được trồng cây đèn trước khi tổ chức lễ khai hạ.
Buổi chiều: Nếu tổ chức đại đám có rước thì các bộ phận tham gia tập nghi lễ chuẩn bị cho ngày đại kỳ phước (mồng 9).
Buổi tối: Tổ chức lễ đóng đám thỉnh kiểng đánh trống, chiêng như lễ tất niên giao thừa. Từ 22h tiến hành lễ phong y nhà Thánh do những người có kinh nghiệm, biết việc, gia đình không có tang bụi trực tiếp đảm trách. Đặc biệt trong khi thực hiện nghi lễ này, trống và chiêng phải đánh liên tục cho đến khi kết thúc nghi lễ phong y.
* Ngày mồng 8 tháng giêng: Sáng sớm tiến hành lễ cáo tế, sau đó tổ chức đi lễ quan anh Yên Lộ (làng Yên Lộ thuộc phường Yên Nghĩa – Hà Đông).
* Ngày mồng 9 tháng giêng:
Buổi sáng:
- Cụ tế chủ làm lễ phù tửu (trầu, rượu, hương, hoa quả).
- Đón tiếp kiệu rước gồm kiệu Long đình và kiệu hoa (nếu có) của 2 quan anh Yên Lộ và Văn Nội về Đình.
- Sau khi tập trung, tổ chức rước cỗ từ nhà cụ từ (cụ từ đằng Đình) ra Đình. Cỗ do gia đình cụ từ chuẩn bị.
- Sau khi rước cỗ từ nhà cụ từ ra Đình, tổ chức tế hội đồng 3 dân gồm Thanh Lãm, quan anh Yên Lộ và Văn Nội (Xưa kia, nhân dân thôn Thanh Lãm kết nghĩa giao hảo từ lâu đời với 2 thôn Yên Lộ và Văn Nội, 3 thôn này kết nghĩa với nhau như ruột thịt. Vì ở đây 3 thôn thờ 6 vị anh hùng tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Cho nên trong những ngày Đại kỳ phước của từng thôn, họ cùng nhau đến từng điểm để làm lễ hội đồng).
- Từ 11h30 – 12h30: Ba dân thụ lộc, biểu diễn chương trình văn nghệ.
Buổi chiều:
- 13h45 – 14h: Đánh 3 hồi trống tập trung lực lượng (Gồm cả lực lượng quan anh Yên Lộ, Văn Nội) chuẩn bị lễ phụng nghênh, tổ chức rước từ Đình ra Đền. Các bộ phận thực hiện theo sự hướng dẫn của người cầm cờ lệnh. Đội hình sắp xếp theo thứ tự qui định.
- 16h: Tổ chức rước từ Đền vào Đình.
- Sau khi rước về Đình, hai quan anh lễ tạ, tổ chức tiễn hai quan anh theo quy định.
- Tổ chức lễ yên vị, rước Đức Thánh nhập cung.
Sau ngày hội, Ban tổ chức lễ hội, hai giới các cụ và toàn thể dân làng ra Đình làm lễ tế giã, hóa vàng và rút kinh nghiệm.
* Lễ vật, đồ cúng phục vụ Lễ hội:
- Lễ vật: Rước cỗ nhà cụ từ ra Đình để tế hội đồng, cỗ gồm: 1 mâm xôi, 1 thủ lợn, 1 đĩa lòng chay, 2 mâm cỗ mặn (cả phạng cơm), 1 mâm cỗ đường.
- Trang phục: Trang phục của Tổ tế (2 ông rượu trong mặc áo the, đội khăn xếp, thắt đai đỏ, bịt khẩu trang màu đỏ; ông Chủ tế trang phục áo dài gấm màu xanh có bối tử trước ngực áo, đội mũ cánh chuồn, đi hia xanh; các ông bồi tế cũng mặc áo dài gấm xanh; 2 ông Đông xướng, Tây xướng và các ông chấp kích, chấp đăng mặc giống nhau – áo dài gấm màu xanh nhưng không có bối tử trước ngực áo). Trang phục của quân kiệu trai tân là áo nậu màu đỏ, của nữ tân là áo dài màu trắng.
- Nhạc cụ trong việc lễ đình gồm có trống cái, trống khẩu dùng để điều hành, giữ nhịp cho người hành lễ, chiêng, tù và, hội trống dờn tạo không khí, hội bát âm. Nhạc nhã được sử dụng chính là nhạc cung đình./.
Viết bình luận